Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20: ít kỳ vọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20: ít kỳ vọng

Phúc Minh

Hội nghị G20 lần này được cho là không mang lại nhiều thay đổi cho tương lai của đồng euro và trong vấn đề cải cách tài chính. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Hôm nay (4-6), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm nước G20 khai mạc tại Busan (Hàn Quốc) và kéo dài 2 ngày. Các bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận những vấn đề xung quanh cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và khu vực đồng euro (eurozone), cũng như cố gắng thu hẹp sự khác biệt về các vấn đề cụ thể liên quan đến cải cách hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư rất ít kỳ vọng vào hội nghị này.

Khủng hoảng của đồng euro không thay đổi

Chuyên viên kinh tế quốc tế Đại học Oxford, giáo sư Vanessa Rossi, cho biết. “Cuộc khủng hoảng của đồng euro sẽ được thảo luận tại hội nghị G20 vì nó là mối đe dọa chính đối với sự ổn định của thị trường tài chính thế giới. Đồng thời, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận làm thế nào giải quyết những vấn đề cụ thể của Hy Lạp và eurozone”.

Về cuộc khủng hoảng của đồng euro, bà nhắc nhở các nước eurozone cần sử dụng gói cứu trợ của IMF và EU để thoát khỏi khó khăn. IMF hiện đang tích cực cứu các ngân hàng châu Âu, sau khủng hoảng nợ của Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Xuất hiện lần đầu tại diễn đàn G20, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nỗ lực đôn đốc các đồng nghiệp cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách ngay lập tức như nước này đã thực hiện, bởi vì châu Âu không thể tiếp tục chậm trễ trong việc giải quyết thâm hụt ngân sách đang gây ra sự hỗn loạn trên thị trường.

Thế nhưng, vấn đề thâm hụt ngân sách – làm cho thế giới cảm thấy không an toàn với cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, dẫn đến sự khủng hoảng của đồng euro – e là không tìm được giải pháp tại hội nghị lần này.

Hành động giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ Anh được các nhà đầu tư hoan nghênh nhưng phản ứng của thị trường mới là quan trọng. Tuần trước, sau khi Tây Ban Nha đưa ra chương trình thắt chặt tài chính, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Tây Ban Nha vì sợ chính sách này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã trở thành mối đe dọa lớn cho đồng euro. Nợ của Hy Lạp phình to ra cho thấy trong 10 năm qua, eurozone thiếu tính kế hoạch trong quản lý và chính sách. Thế nhưng, Ngân hàng trung ương châu Âu đã không tạo ra nhiều thay đổi. Bà Rossi cho biết: “Không ai chịu trách nhiệm, điều này không giúp cải thiện niềm tin của thị trường”.

Vấn đề thu thuế ngân hàng không có kết quả

Một chủ đề quan trọng khác của hội nghị G20 là thu thuế ngân hàng, thu hồi gói kích thích kinh tế một cách trật tự, cũng như cân đối lại kinh tế toàn cầu. Chỉ có điều, các nhà đầu tư không mong đợi bất kỳ thông tin đáng khích lệ nào từ Busan.

Việc thu thuế ngân hàng là vấn đề của tất cả các nước. Tuy nhiên, không có nhiều người tin rằng hội nghị lần này có thể đưa ra ý tưởng rõ ràng về việc thu thuế. Ngay cả các nước tích cực nhất trong vấn đề này là Pháp và Đức cũng phải thừa nhận sẽ không có kết quả.

Đồng thời, cuộc khủng hoảng nợ của eurozone chỉ ra một số nước sẽ không thể thu hồi gói kích thích kinh tế sớm hơn dự kiến. Trình tự thu hồi gói kích thích kinh tế cũng là công việc khó khăn mà các nước phải đối mặt.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, hội nghị lần này cần lưu ý trạng thái cân bằng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu, các nước cần phối hợp thúc đẩy tăng trưởng và giảm nợ trong ngắn hạn.

(theo Ifeng)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới