Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hội nghị BRICS đạt nhiều thành quả quan trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị BRICS đạt nhiều thành quả quan trọng

Phúc Minh

Hội nghị BRICS đạt nhiều thành quả quan trọng
Phóng viên kinh tế của BBC nhận xét các nhà lãnh đạo năm nước BRICS muốn nhấn mạnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi tại hội nghị thượng đỉnh lần 5. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Nhóm các nước mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) đạt nhiều thành quả quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ năm đang diễn ra ở Durban, Nam Phi.

Theo thông tin mới nhất, các nước đạt được thỏa thuận thành lập Quỹ dự phòng khẩn cấp 100 tỉ đô la Mỹ. Trong số đó, Trung Quốc sẽ đóng góp 41 tỉ đô la Mỹ - chiếm khoảng 40%; Brazil, Nga và Ấn Độ mỗi nước đóng góp 18 tỉ đô la Mỹ; Nam Phi đóng góp 5 tỉ đô la Mỹ. Theo thỏa thuận ký kết giữa năm nước, quỹ này sẽ được sử dụng cho các nhu cầu khẩn cấp bất ngờ và có thể thay thế vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Khoản đóng góp vào quỹ sẽ trở thành một phần dự trữ của ngân hàng trung ương các nước thành viên.

Trước đó vào ngày 26-3, năm nước cũng đã nhất trí thành lập ngân hàng phát triển riêng để làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF. Theo thỏa thuận sơ bộ, mỗi nước sẽ đóng góp hơn 10 tỉ đô la Mỹ vốn ban đầu vào ngân hàng này. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ ra năm nước vẫn còn sự khác biệt về vấn đề huy động vốn và cách thức hoạt động của ngân hàng phát triển.

Kể từ tháng 12-2008, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ với hơn 20 nước và khu vực trên thế giới gồm Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông, Belarus, Argentina, Iceland, Singapore, New Zealand, Uzbekistan… Tổng số tiền trao đổi hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (gần 160 tỉ đô la Mỹ).

Cùng ngày, Brazil và Trung Quốc ký kết thỏa thuận trao đổi tiền tệ tương đương 30 tỉ đô la Mỹ nhằm mở rộng hợp tác song phương. Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất của Brazil, chủ yếu nhập khẩu quặng sắt và đậu tương. Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho biết thỏa thuận này giống như "chiếc ô" bao trùm nhiều lĩnh vực: thương mại, tài chính, thậm chí cả hải quan. Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ ký kết giữa Trung Quốc và các nước BRICS sẽ làm giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào đô la Mỹ, giúp các doanh nghiệp tránh rủi ro về tỷ giá và giảm chi phí giao dịch, mở rộng thanh toán và tài trợ vốn giữa các nước BRICS, có lợi cho kinh tế thương mại song phương. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cũng đã ký những thỏa thuận song phương về thương mại, du lịch, giáo dục và hợp tác xã hội.

Hiện, dân số các nước BRICS chiếm 42% tổng dân số thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 25%GDP thế giới và chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức mỗi năm một lần, bắt đầu từ năm 2009. Hội nghị lần thứ tư được tổ chức tại Ấn Độ.

Phóng viên kinh tế của BBC nhận xét tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo năm nước BRICS muốn nhấn mạnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi và BRICS đã trở thành trung tâm của cuộc cách mạng này.

(theo WSJ, VOA, BBC)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới