Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội nghị Chính phủ cùng các địa phương: Quyết tâm thực hiện ‘mục tiêu kép’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị Chính phủ cùng các địa phương: Quyết tâm thực hiện ‘mục tiêu kép’

T.H

(TBKTSG Online) – Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 28-12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định, năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, tác động xấu, nhiều mặt và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Trong bối cảnh rất đặc biệt đó, nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu 4 nhóm phương hướng, nhiệm vụ lớn thời gian tới. Ông nhấn mạnh tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc tới hàng loạt kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, nợ công, giải ngân vốn đầu tư công… Cùng với đó là những kết quả toàn diện về bảo đảm an sinh xã hội, đối ngoại, quốc phòng – an ninh. Trong bối cảnh gồng mình chống thiên tai dịch bệnh, chúng ta vẫn tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII theo đúng kế hoạch đề ra, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bài bản, đúng quy định, nhiều đổi mới.

“Dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm ngoái, tôi có chúc rằng các đồng chí phấn đấu làm sao để năm 2020 phải hơn 2019. Đến nay, dù còn những hạn chế, có chỉ tiêu chưa làm được, nhưng như trong báo cáo của Chính phủ, năm 2020 đã thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ khóa XII và thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, tạo niềm tin, nguồn lực và động lực mới để chúng ta vững bước tiến tới Đại hội XIII của Đảng và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội sẽ đề ra.

Hội nghị tiếp tục diễn ra vào chiều ngày 28-12 với ý kiến tham luận của các địa phương, báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thống đốc NHNN Việt Nam.

Hội nghị Chính phủ cùng các địa phương: Quyết tâm thực hiện 'mục tiêu kép'
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (bên phải, hàng đầu tiên), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bên trái, hàng đầu tiên), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đại biểu tới dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Chinhphu.vn

Buổi sáng 28-12, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc, Hội nghị nghe Phó Thủ  tướng  Thường trực Chính phủ  Trương Hòa  Bình  trình  bày Báo cáo tóm tắt về  tình hình thực hiện kế  hoạch phát triển kinh tế – xã hội   năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Tiếp đó, Phó Thủ  tướng Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giới thiệu Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu Dự thảo Nghị quyết 02 của Chính phủ  thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi  trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Sau khi nghe các báo cáo nói trên và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa  phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Buổi chiều, Hội nghị nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị cũng sẽ nghe các địa phương phát biểu tham luận, đại diện các tập đoàn, tổng công ty phát biểu ý kiến.

Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,91%, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020.

Về tình hình kinh tế quí 4-2020, Tổng cục Thống kê cho biết GDP ước tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng là mức tăng thấp nhất của quí 4 các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó,  Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế nên GDP quí 4-2020 tăng trưởng khởi sắc so với quí 3-2020. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07%.

Các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trình bày báo cáo tóm tắt kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt  động của Tổ công tác năm 2020 và 5 năm (2016 – 2020) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thể chế cho công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh  doanh được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, đã ban hành 37  văn bản, gồm 8 Nghị định, 19 Nghị quyết, 2 Chỉ thị, 8 Quyết định, thay đổi căn bản quy trình thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công, giấy tờ sang điện tử,  phi giấy tờ với 1.097 thủ tục, 992 mẫu đơn và 399 tờ khai liên quan đến thủ tục  hành chính (TTHC) được cắt giảm, đơn giản hóa.

Trong năm 2020, đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Tính chung giai đoạn 2016 – 2020, đã cắt giảm 3.893/6.191 ĐKKD, 6.776/9.926 danh  mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và 30 TTHC liên quan đến  KTCN; 1.501 mặt hàng KTCN chồng chéo đã được xử lý. Đề án cải cách kiểm tra  chuyên ngành theo hướng giao cơ quan hải quan làm đầu mối KTCN tại cửa khẩu,  được khẩn trương xây dựng. Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người  dân, doanh nghiệp khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỉ đồng/năm.

Giai đoạn 2016-2020, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức 33 phiên họp, hội nghị với Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp  nhận, kiến nghị xử lý 442 vấn đề, nhóm vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn,  vướng mắc của doanh nghiệp. Năm 2020, chủ trì Chương trình nghị sự lần thứ 6  của Mạng lưới thực hành quy định tốt ASEAN-OECD với 3 phiên hội nghị trực  tuyến, giúp các nước chia sẻ kinh nghiệm về cải cách quy định để đối phó với  khủng hoảng, như đại dịch Covid-19, được OECD đánh giá là chương trình trực tuyến thành công nhất.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, cơ quan, địa  phương, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016- 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt  Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia; Chỉ số Đổi mới  sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế,  giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản QPPL, chương  trình, chiến lược, đề án, kế hoạch, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc xây dựng  Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Nhiều Hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử được đưa vào vận hành, giúp  đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp:

(i) Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương từ ngày 12/3/2019, đến  nay đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan Trung  ương và địa phương; hơn 3,7 triệu văn bản điện tử, gửi nhận qua Trục; giúp tiết  kiệm được trên 1.200 tỉ đồng/năm.

(ii) Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ  (e-Cabinet) được vận hành từ ngày 24/6/2019 đến nay đã phục vụ 24 phiên họp  Chính phủ và hơn 620 phiếu lấy ý kiến TVCP, giúp thay thế hơn 225 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy; chi phí tiết kiệm được khoảng 169 tỉ đồng/năm.

(iii) Cổng Dịch vụ công quốc gia sau một năm vận hành, đã có hơn 2.650  dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số 6.700 TTHC (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%), với hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412 nghìn tài  khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719 ngàn hồ sơ thực  hiện trực tuyến và hơn 46 ngàn giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên  43,8 ngàn cuộc gọi, hơn 9,6 ngàn phản ánh, kiến nghị. Chi phí xã hội tiết kiệm  được khoảng hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

(iv) Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương ngày 19-8-2020  đã kết nối với 14 bộ, cơ quan, 37 địa phương và 106/200 chỉ tiêu kinh tế – xã hội;  63/63 tỉnh đã cung cấp dữ liệu trực tuyến cho 08 chỉ tiêu kinh tế – xã hội… Chi phí  tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỉ đồng/năm.

Tổng chi phí tiết kiệm cho xã hội ước tính trên 8.500 tỉ đồng/năm từ các Hệ thống trên (theo cách tính của OECD).

Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet, Cổng Dịch vụ công  quốc gia đều được bình chọn nằm trong 10 sự kiện nổi bật về công nghệ thông tin và  truyền thông, về khoa học và công nghệ do các câu lạc bộ Nhà báo công bố năm  2019. Trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia đã đạt giải vàng của giải thưởng  kinh doanh quốc tế năm 2019 tổ chức tại Cộng hòa Áo, Hệ thống e-Cabinet được  vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê năm 2020 cho giải pháp phần mềm xuất sắc. Năm 2020, theo bình chọn của Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia  được bình chọn là đột phá của chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Liên hợp quốc xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 2 bậc so với năm 2018, duy trì việc tăng  hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86, được xếp vào  nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung  bình thế giới.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đã thực hiện 103 buổi làm việc với  24 bộ, cơ quan, 44 địa phương, 12 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; có 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp để đôn đốc, kiểm tra việc  thực hiện nhiệm vụ giao, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính  sách và những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải để tham mưu  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biện pháp tháo gỡ. Trong đó, có 18 cuộc về việc  thực hiện nhiệm vụ giao; 11 cuộc về công tác hoàn thiện thể chế; 21 cuộc về cải  cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện  kinh doanh; 19 cuộc đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ về thực hiện mục tiêu tăng  trưởng; 10 cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; 14 cuộc về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; 08 cuộc đẩy  nhanh tiến độ xây dựng, trình các đề án trong CTCT…

Qua các cuộc kiểm tra, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng  Chính phủ được quán triệt, đôn đốc thực hiện; đưa các giải pháp, chỉ đạo của  Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống.

Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, tạo áp  lực, thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, quyết tâm trong việc thực  hiện nhiệm vụ giao. Học tập sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ và kinh nghiệm  hoạt động của Tổ công tác, hầu hết các bộ, cơ quan địa phương đều thành lập Tổ công tác. Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, chậm được xử lý, giải quyết có liên quan  đến công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương được khắc phục,  chấn chỉnh kịp thời.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chuyển  biến rõ nét, ngày càng thực chất. Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) – khi Tổ công tác chưa thành lập, nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8% – giảm 23,4% so với năm 2016.

Đặc biệt, các nhiệm vụ giao tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đúng tiến độ, trong năm có 473/479 nhiệm vụ giao đã hoàn thành; còn 6 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chậm được thực hiện, như: Việc triển khai sử dụng dịch vụ thu phí đường  bộ theo hình thức điện tử không dừng, việc chuyển giao đại diện chủ sở hữu phần  vốn nhà nước…

Các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được trình bảo đảm  đúng tiến độ, không chậm nợ. Trong năm, đã trình 43/43 đề án – đạt 100%. – Trong năm 2020, có tổng số 543 đề án trong CTCT của Chính phủ, Thủ  tướng Chính phủ; đến nay còn 51 đề án chưa trình, trong đó chỉ có 15 đề án nợ  đọng chiếm 2,8% – giảm 5,2% so với năm 2019 (8%); cả giai đoạn 2016-2020 có  2.462 đề án giao; như vậy đến nay, tỷ lệ nợ đọng là 0,6%, giảm 16,5% so với thời điểm đầu nhiệm kỳ – năm 2016.

Công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư  duy, phương pháp xây dựng văn bản quy định chi tiết theo hướng tích hợp, cắt giảm  tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi tiết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh phát sinh thêm thủ tục  hành chính, giảm chồng chéo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá  trình tra cứu và thực thi.

Từ 49 văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực từ 1-1-2021 theo phân  công, đến nay, các bộ đã có phương án tích hợp còn 28 văn bản – giảm 21 văn bản  so với phân công. Trong đó, Bộ LĐTBXH đã chủ động, tích cực tích hợp từ 14  Nghị định còn 4; Bộ KHĐT đã tích hợp từ 12 Nghị định còn 5. Đến nay, đã ban  hành 03/28 văn bản; đã trình 23/28 văn bản; còn 02/28 văn bản chưa trình.

Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, năm 2017 – là năm đầu tiên không nợ văn bản quy chi  tiết thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đến thời điểm hiện nay chỉ còn nợ 6 văn bản;  giảm mạnh so với số lượng văn bản nợ đọng cuối nhiệm kỳ khóa XII (58 văn bản)  và nhiệm kỳ khóa XIII (39 văn bản).

Kênh tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tiếp tục phát huy  hiệu quả. Từ ngày 9-12-2019, Hệ thống tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến  nghị của người dân, doanh nghiệp được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.  Đến nay, Hệ thống này đã tiếp nhận 4.713 kiến nghị (trong tổng số hơn 9,6 ngàn phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia), trong đó có 1.914 kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý; đã chuyển xử lý 1.327 kiến nghị, đến nay có 1.119  kiến nghị đã được xử lý; còn 208 kiến nghị đang được bổ sung hồ sơ.

Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác, giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện hơn 300 nhiệm vụ, trong đó, Chính phủ yêu cầu rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, đến nay, 55/56 văn bản đã được ban hành, có hiệu lực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan và địa phương tập trung, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ,  Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị định 09/2019/NĐ-CP, số 45/2020/NĐ-CP, số  09/NĐ-CP; các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 02/NQ-CP; Quyết định số  28/2018/QĐ-TTg về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh  doanh thuận lợi gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản;  quyết tâm không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, các đề án sang năm sau. c) Bảo đảm lồng ghép, cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo  đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Tư pháp thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm  tra, giám sát các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi  tiết, nhất là trong việc lồng ghép, cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết Luật,  Pháp lệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Giao Tổ công tác tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là chuyên đề về công tác hoàn  thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình xây dựng  Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính; việc thực hiện Chương trình công  tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, số 68/NĐ-CP và các Nghị quyết chuyên đề quan trọng, có phạm vi  tác động lớn, liên quan đến chủ trương cải cách và mục tiêu phát triển kinh tế – xã  hội, an sinh xã hội, đời sống người dân.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đồng tình, thống nhất cao với nội dung các báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 2020 và những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Tổng hợp từ Chinhphu.vn, TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới