Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội nghị Doanh nghiệp châu Á: tìm cơ hội vượt qua khủng hoảng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị Doanh nghiệp châu Á: tìm cơ hội vượt qua khủng hoảng

Thái Bình

Bà V.N. Desai, Chủ tịch Asia Society và ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trả lời câu hỏi của các nhà báo. Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Buổi họp báo công bố chương trình và thành phần diễn giả của Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 đã diễn ra chiều nay thứ Tư 22-4 tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel.  

Bà Vishakha N. Desai, Chủ tịch Asia Society – đơn vị tổ chức hội nghị – tiếp tục khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong 6 năm qua là một động lực thôi thúc Asia Scoiety quay lại tổ chức hội nghị lần thứ hai tại Việt Nam.

Với chủ đề “Nhận diện các thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam”, hội nghị muốn truyền đi một thông điệp quan trọng rằng châu Á đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng gây ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, nhưng đồng thời cũng có những cơ hội từ sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp châu Á, từ sự thay đổi bộ máy hành pháp và chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Vấn đề là làm thế nào nhận diện những thách thức và cơ hội đó nhằm hoạch định những chính sách và giải pháp phù hợp để vượt qua khủng hoảng, phát triển kinh tế một cách bền vững và hiệu quả.

Hội nghị sẽ thảo luận 8 chủ đề chính chung quanh hai khía cạnh có quan hệ hỗ tương với nhau: những vấn đề tổng quan của toàn châu Á, những xu hướng vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, và những vấn đề đặc thù của Việt Nam như phát triển hạ tầng cơ sở, cải cách giáo dục đào tạo, đẩy mạnh đô thị hóa và xây dựng đội ngũ doanh nhân mới phù hợp với thời kỳ hội nhập sâu của nền kinh tế.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Ban Tổ chức hội nghị, cho rằng tuy mỗi nước châu Á đều có những nét đặc thù về kinh tế và văn hóa song tác động của cuộc khủng hoảng không loại trừ nước nào và cần có sự hợp tác giữa các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để đối phó. Ông Sinh cũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp châu Á có những nét tương đồng về kinh doanh, các nền kinh tế giống nhau ở chỗ cùng có độ mở lớn, hội nhập sâu, tỷ lệ xuất khẩu trong GDP rất lớn nên chịu những tác động giống nhau khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới suy giảm. Việt Nam tuy có mức độ phát triển chưa cao nhưng cũng có nhiều kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng để chia sẻ với các nước láng giềng.

Theo ông Ronnie Chan, Phó Chủ tịch Asia Society, sẽ có 1.100 đại biểu từ nhiều quốc gia khắp thế giới tham dự hội nghị, và có 60 diễn giả trình bày tham luận trong hai ngày hội nghị, 23 và 24-4-2009. Ông Chan cũng cho biết rằng Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp châu Á hai lần trong vòng 6 năm, lần thứ nhất vào năm 2003 tại Hà Nội và lần này tại TP Hồ Chí Minh.

Asia Society là tổ chức phi lợi nhuận ra đời năm 1956 tại Mỹ nhưng hoạt động tại nhiều nước, do những chuyên gia thuộc nhiều quốc tịch khác nhau điều hành. Mục tiêu của Asia Society là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người dân các nước châu Á thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, giáo dục đào tạo và trao đổi văn hóa nghệ thuật. Từ năm 1989 đến nay các Hội nghị Doanh nghiệp châu Á đã thu hút 16.000 người tham dự thuộc nhiều lĩnh vực từ khắp các nước trên thế giới.

Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 19 do Asia Society tổ chức với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo Wall Street Journal Asia và sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới