Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội nghị phát triển bền vững LHQ kêu gọi làm cho thế giới tốt đẹp hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị phát triển bền vững LHQ kêu gọi làm cho thế giới tốt đẹp hơn

Phúc Minh

Hội nghị phát triển bền vững LHQ kêu gọi làm cho thế giới tốt đẹp hơn
Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) ngày 25-9. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Ngày 25-9, hội nghị thượng đỉnh Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (LHQ) khai mạc tại trụ sở chính LHQ ở New York (Mỹ), với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu 193 nước thành viên LHQ.

Tham dự hội nghị còn có đông đảo các đại diện của giới khoa học, tài chính, doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường và báo giới.

Sau khi lắng nghe bài diễn văn của Giáo hoàng Francis, các đại biểu chính thức thông qua Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2030, gồm 17 mục tiêu táo bạo nhằm chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và vô luật pháp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để giúp 800 triệu người chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực tại tất cả mọi nơi trên Trái Đất. Trong vòng 15 năm tới, các chính phủ và tổ chức sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực phát triển để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người trên hành tinh để tất cả các nước được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Các mục tiêu phát triển bền vững mới được xây dựng dựa trên các chương trình nghị sự đề ra mục tiêu của các hội nghị LHQ và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã được đông đảo dư luận ghi nhận là thành công trong việc giúp hàng triệu người cải thiện cuộc sống.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Chương trình nghị sự Phát triển bền vững là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng tất cả các nước sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một chương trình nghị sự vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, cùng hành động để chống biến đổi khí hậu, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người. Trên hết, đó là cam kết sẽ không có ai bị tụt lại đằng sau. Cam kết với chương trình nghị sự 2030 sẽ được chứng tỏ bằng hành động".

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng khẳng định những thành tựu quan trọng mà LHQ đã đạt được trong 70 năm qua. Theo ông Ban, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi nhanh và khác thường những năm qua, LHQ đã có công lớn trong việc đề ra những quy định, những điều luật quốc tế để đảm bảo nhân quyền cho tất cả mọi người trên trái đất, tham gia giải quyết vô số cuộc xung đột, triển khai các họat động gìn giữ hòa bình, cũng như làm tốt công tác trung gian hòa giải. Tuy nhiên, ông Ban thừa nhận những điểm nóng rên thế giới trong những năm gần đây cho thấy LHQ cần tiếp tục có sự cải tổ và điều chỉnh, mới có thể theo đuổi mục tiêu cuối cùng là trợ giúp tất cả các nước trên trái đất.

Ông Ban cho rằng Hội đồng Bảo an, các cơ quan tài chính và một số tổ chức hoặc cơ chế được thiết lập để xử lý các cuộc khủng hoảng kinh tế là những định chế mà LHQ cần cải tổ. Ông Ban cũng nêu quan ngại về những cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra dai dẳng tại Ukraine, Syria, Iraq, Libya, Nam Sudan…

Giáo hoàng Francis kêu gọi cải tổ LHQ, bảo vệ môi trường…

Ngày 25-9, Giáo hoàng Francis đã có bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó kêu gọi cải tổ LHQ, bảo vệ môi trường, giải quyết các cuộc xung đột và giúp đỡ người nghèo.

Trong bài phát biểu, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh những thành tựu trong 70 năm qua của LHQ nhưng nhìn nhận có nhiều vấn đề trầm trọng chưa được giải quyết, chứng tỏ sự cải tổ và thích ứng của LHQ với thời đại là điều luôn cần thiết, tiến tới mục tiêu chung là mang lại cho tất cả các nước sự tham gia và ảnh hưởng đồng đều trong các quyết định.

Giáo hoàng cho rằng các thể chế tài chính cho vay cũng cần thay đổi nhằm hạn chế mọi hình thức "lạm dụng và cho vay nặng lãi". Theo Giáo hoàng, các tổ chức tài chính quốc tế cần quan tâm đến sự phát triển bền vững của các nước và đảm bảo những nước này không bị lệ thuộc vào hệ thống cho vay đầy bất công, đi ngược lại với việc thúc đẩy tiến bộ, đang tạo ra đói nghèo và sự lệ thuộc.

Giáo hoàng Francis cũng tin tưởng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) tháng 12-2015 sẽ đạt được thỏa thuận cơ bản và hiệu quả. Giáo hoàng bày tỏ lo ngại sự lạm dụng và phá hủy môi trường không thể chặn đứng do lòng tham và sự ích kỷ của con người và chính những người nghèo nhất đang là những người chịu đau khổ nhất khi môi trường bị hủy hoại.

Đề cập đến một loạt vấn đề nóng trên thế giới, Giáo hoàng bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), đồng thời lưu ý cộng đồng thế giới về những hậu quả tiêu cực của những cuộc can thiệp chính trị và quân sự thiếu phối hợp của cộng đồng quốc tế.

Giáo hoàng cũng nhắc đến thảm cảnh đau thương ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các nước châu Phi khác, khi nhiều người phải trốn chạy và trả giá bằng mạng sống. Giáo hoàng Francis cũng kịch liệt lên án tình trạng buôn bán ma túy đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Trước đó vào ngày 24-9, Giáo hoàng Francis đã có bài phát biểu dài 51 phút trước toàn thể lưỡng viện Quốc hội Mỹ, kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ vượt qua sự chia rẽ để giải quyết các thách thức. Đây là lần đầu tiên một người đứng đầu Tòa thánh Vatican có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Giáo hoàng Francis cũng là một trong những người đứng ra làm trung gian môi giới dẫn tới quyết định bình thường hóa Mỹ-Cuba cuối năm 2014.

Mỹ và các cường quốc thế giới bàn về khủng hoảng tị nạn

Số phận những người tị nạn đang đổ vào châu Âu cũng sẽ là một trong những đề tài chính mà các nhà lãnh đạo thế giới bàn thảo tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ ở New York. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon sẽ chủ toạ cuộc họp cấp cao vào tuần sau để bàn về cuộc khủng hoảng này. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo khối G7, trong đó có Mỹ, sẽ tổ chức hội thảo về người tị nạn và những vấn đề nhân đạo vào ngày 29-9.

Hồi đầu tuần này, các bộ trưởng nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận kế hoạch hạn ngạch để phân bổ 120.000 người tị nạn tại 28 nước thành viên. EU cũng cam kết chi 1 tỉ euro để giúp cho những người Syria đang tạm trú ở các nước láng giềng.

Mỹ cũng cung cấp thêm viện trợ nhân đạo và nới rộng mức trần tiếp nhận người tị nạn đến 85.000 người vào năm 2016, trong đó có ít nhất 10.000 người từ Syria.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25-9 kêu gọi các thành viên LHQ giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng người di cư, đồng thời khẳng định các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 sẽ cung cấp khuôn khổ cụ thể để thực hiện điều đó.

Phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ về Phát triển bền vững giai đoạn 15 năm tiếp theo nhằm chấm dứt sự bất bình đẳng giàu nghèo, bà Merkel nói: “Điều kiện tiên quyết cho sự phát triển thành công vẫn là hòa bình. Hàng triệu người đang buộc phải chạy trốn chiến tranh, khủng bố và bạo lực. Chưa bao giờ kể từ Thế chiến II, chúng ta cảm nhận nỗi khổ đau của người tị nạn. Đến lúc chúng ta phải làm việc ở từng cấp khu vực, cấp quốc gia và toàn cầu đề giải quyết gốc rễ của vấn đề”.

Trong năm nay, Đức cho biết sẽ tiếp nhận khoảng 800.000 người nhập cư, phần lớn buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh và nghèo đói tại các khu vực bất ổn ở Trung Đông, Bắc phi, châu Á.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới