Thứ Hai, 11/12/2023, 03:09
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Hội nghị thượng đỉnh G20: có vượt qua được bất đồng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị thượng đỉnh G20: có vượt qua được bất đồng?

Thủ tướng Anh Gordon Brown và phu nhân Sarah đón tiếp Tổng thống Mỹ B. Obama và phu nhân Michelle tại trụ sở chính phủ Anh.

(TBKTSG Online) Lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã tề tựu tại London, Anh hôm nay để tiến hành những cuộc thảo luận cuối cùng trước giờ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày mai thứ Năm 2-4-2009.

Người ta hy vọng hội nghị sẽ tìm ra một giải pháp chung, tối ưu để đưa thế giới ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nhưng những sự khác biệt quan điểm giữa các nhà lãnh đạo cho thấy hy vọng đó khó thành hiện thực.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) số ra hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso phản bác mạnh mẽ tuyên bố của Đức rằng kích thích kinh tế không phải là biện pháp hữu hiệu. Trong khi Mỹ và một vài nước khác đưa ra những gói kích thích khổng lồ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì các nước Âu châu, dẫn đầu bởi Đức và Pháp, tỏ ý hoài nghi việc tăng chi tiêu quá mức, và thay vì kích cầu họ cho rằng siết chặt việc quản lý hệ thống tài chính mới là giải pháp ưu tiên hàng đầu.  

Thủ tướng Taro Aso cho rằng, nước Nhật đã có 15 năm kinh nghiệp đối phó với suy thoái kinh tế nên Chính phủ Nhật biết mình cần phải làm gì trong khi Mỹ và các nước Âu châu lần đầu tiên đương đầu với một tình huống tương tự. Thứ Sáu tuần trước (29-3), Thủ tướng Taro Aso cũng vừa ký ban hành một gói kích thích mới trị giá 11.500 tỷ yen (105,8 tỉ đô la Mỹ), tập trung vào việc giảm thuế thu nhập, trợ giá nhiên liệu và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.  

Tổng thống Pháp N. Sarkozy (thứ 2 bên trái) sẽ “bỏ phòng họp ra ngoài” nếu hội nghị không xem xét đề nghị của ông.

Nước Pháp có vẻ căng thẳng nhất khi tuyên bố Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ “bỏ phòng họp ra ngoài” nếu các nhà lãnh đạo G20 không xem xét yêu cầu của ông về tăng cường điều hành, giám sát các thị trường tài chính để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrueck nói với đài BBC rằng khả năng “bỏ họp” của ông Sarkozy sẽ khó xảy ra, Đức sẽ cùng với Pháp vẫn kiên trì lập trường của mình và sẽ thành công trong việc áp dụng một cơ chế điều hành tốt hơn, một sự giám sát hiệu quả hơn để vượt lên khỏi cuộc hỗn loạn tài chính.  

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả chúng ta là đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết đối phó với khủng hoảng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Mỹ có vẻ bình tĩnh và giữ vai trò trung dung. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times trước khi đi Anh, Tổng thống Barack Obama nói, “Nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả chúng ta là đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết đối phó với khủng hoảng”. Đây là chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên của ông Obama kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ và cũng là lần đầu tiên có cuộc tiếp xúc chính thức giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Trung Quốc.  

Về sự bất đồng quan điểm với châu Âu, ông Obama cho rằng việc dành ưu tiên cho cải tổ hệ thống tài chính hoặc ưu tiên cho kích cầu chỉ là “cuộc tranh luận giả tạo”. Tại Mỹ, song song với việc ban hành những gói kích thích và cứu nguy khổng lồ, chính phủ của ông Obama vẫn đang xúc tiến việc cải tổ hệ thống điều hành thị trường tài chính, trao nhiều quyền hơn cho chính phủ trong việc giám sát các tổ chức tài chính và việc kinh doanh các sản phẩm tài chính phái sinh.  

Thủ tướng Anh Gordon Brown, người chủ trì hội nghị, đã đề ra 5 thách thức mà hội nghị phải giải quyết, chẳng hạn như tăng nguồn lực của các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế để hai cơ quan này gia tăng tín dụng cho các quốc gia bị thiệt hại do khủng hoảng kinh tế, làm trong sạch hệ thống ngân hàng, kể cả việc xác lập các luật lệ quốc tế điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tài chính, “làm tất cả những gì cần thiết” để thúc đẩy thương mại, kích thích tăng trưởng và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.  

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso thì cho rằng không nên đặt quá nhiều hy vọng vào hội nghị G20 lần này vì hội nghị sẽ không đưa ra giải pháp đột phá nào và một hội nghị khác cần được tổ chức trước cuối năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào lúc kinh tế toàn cầu vẫn rất u ám. Hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay giảm xuống mức 1,7%, mức thấp nhất kể từ Thế chiến thứ Hai. Trong khi đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quy tụ 30 nền kinh tế phát triển nhất, dự báo kinh tế của các nước thành viên sẽ giảm 4,3% trong năm nay và thất nghiệp sẽ lên mức hai con số.  

Huỳnh Hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới