Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc có gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc có gì?

Phúc Minh

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc có gì?
Lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới nhóm họp tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Với chủ đề “Xây dựng kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, liên kết và bao dung”, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 đã diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong 2 ngày 4-9 và 5-9.

Đây là lần đầu tiên, hội nghị thượng đỉnh G20 – với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Chủ tịch luân phiên ASEAN, Chủ tịch liên đoàn châu Phi, lãnh đạo nhiều nước đang phát triển tại châu Á và châu Phi, cùng đại diện của 7 định chế đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE)… – được tổ chức tại Trung Quốc.

Bàn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, thương mại và đầu tư. Ông Tập kêu gọi G20 đẩy mạnh tăng trưởng, trao đổi thương mại và đầu tư trong một nền kinh tế mở rộng và có những hành động cụ thể để G20 Hàng Châu không chỉ là một diễn đàn với những lời lẽ trống rỗng.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu diễn ra trong bối cảnh ngoại trừ Ấn Độ, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang trỗi dậy – gồm Nga, Brazil và Trung Quốc – bị chựng lại. Bên cạnh đó, các nước công nghiệp phát triển nhất vẫn chưa tìm lại được con đường tăng trưởng vững vàng. Tỷ lệ thất nghiệp tại EU còn cao ở mức kỷ lục trong khi phải đương đầu với thách thức Brexit (Anh rời EU).

Trước hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo IMF có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần nữa trong năm nay. Trước đó, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi cuộc bỏ phiếu về Brexit diễn ra và cắt giảm dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới còn 3,1% trong năm 2016 và 3,4% trong năm 2017.

Thảo luận những hồ sơ bất đồng

Hội nghị G20 còn là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo đề cập đến những hồ sơ gây bất đồng, chẳng hạn như khả năng sản xuất dư thừa của nước chủ nhà Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ, EU và Nhật Bản cùng nghi ngờ Trung Quốc muốn giải quyết hàng tồn đọng bằng cách xuất khẩu ồ ạt và bán phá giá, làm xáo trộn thị trường quốc tế.

Chủ đề thảo luận còn có Brexit và thuế với các công ty đa quốc gia như Apple.

Ngoài kinh tế, thượng đỉnh G20 lần này còn có một loạt cuộc họp dành cho cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lần đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn chính trị quốc tế kể từ sau vụ đảo chính bất thành ngày 15-7. Ông Erdogan sẽ có buổi làm việc song phương với Tổng thống Obama với Thủ tướng Nga Vladimir Putin kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp tại Syria.

Quan hệ thương mại của Anh với các nước hậu Brexit

Tại hội nghị G20, Thủ tướng Anh Theresa May chịu nhiều áp lực trong việc thảo luận về mối quan hệ thương mại của Anh với Mỹ và nhiều nước khác, sau khi Anh rời EU.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ sẽ ưu tiên đàm phán thương mại với EU và các nước trong khu vực Thái Bình Dương hơn là các cuộc đàm phán với Anh.

Nhật Bản cảnh báo “sẽ có thay đổi lớn” hậu Brexit vì cần giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra. Một thông cáo chính thức của chính phủ Nhật Bản nói hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho các công ty chế tạo ô tô, tài chính và công nghệ của Nhật Bản có trụ sở tại Anh muốn có đảm bảo về sự tiếp cận với thị trường chung, ưu đãi về thuế và các đặc quyền thương mại khác.

Trong khi đó, Úc cho biết có thể là nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Anh khi nước này rời EU.

Hội nghị G20 tại Hàng Châu là sự kiện đầu tiên mà bà May có điều kiện gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế kể từ khi trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 7-2016. Bà May khẳng định kinh tế và vị thế ngoại giao của Anh không bị giảm đi mà Brexit còn giúp Anh tăng cường quan hệ với các nước ngoài châu Âu.

Trong bối cảnh tạm ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point để xem xét lại chi phí và vấn đề an ninh, bà May nói Anh muốn phát triển “mối quan hệ” với Trung Quốc và một số nước khác.

Bà May cũng nói Anh muốn có "một quan hệ cởi mở và thẳng thắn" với Nga trong cuộc gặp Tổng thống Putin lần đầu tiên. Mối quan hệ Anh-Nga căng thẳng sau vụ đầu độc điệp viên Alexander Litvinenko năm 2006 và một số chủ đề gây tranh cãi khác như chính phủ Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vụ chiếm đóng Crimea và xung đột vũ trang tại Ukraine.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới