Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội Ngộ: Nhà nguyện tình yêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội Ngộ: Nhà nguyện tình yêu

Hương Xuân

Những đêm nhạc Trịnh ở Hội Ngộ nhắn nhủ mọi người sống với những niềm vui nho nhỏ, đừng quá đau đáu về những cái xấu. Ảnh: TL.

(TBKTSG) – Có một không gian dịu ngọt để ta có thể “trở về”, thả đôi chân trần trên cỏ mướt, theo những con đường nhỏ nên thơ hoa quê nở dịu dàng, tới một “thung lũng cô đơn”. Thiên nhiên nơi đây tràn ngập hồi ức về một con người, về một dòng nhạc u sầu da diết nhưng lại có thể an ủi nỗi buồn.

Mười năm thương nhớ, mười năm đắp bồi của trùng điệp trái tim những tín đồ nhạc Trịnh Công Sơn đã biến Hội quán Hội Ngộ thành một biểu tượng về hạnh phúc. Thứ hạnh phúc giản đơn, nhẹ nhàng, thanh tao và yên ắng, để được là mình.

Nơi trao truyền tình yêu

Yên tĩnh đến lạ lùng. Cỏ xanh như không thể xanh hơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần đến thăm đã bị quyến rũ bởi những rặng cây nằm yên bình bên dòng kinh Sở Nhật. Anh đã chọn nơi đây để làm một “mái nhà” cho anh em nghệ sĩ lui tới sinh hoạt nghệ thuật và sống với thiên nhiên. “Hội Quán Hội Ngộ” cũng chính là tên anh đặt cho thung lũng xanh này. Và không biết từ bao giờ, Hội Ngộ đã trở thành một điểm du lịch, một địa chỉ văn hóa của du khách khi đến với Sài Gòn, tìm lại hương vị của ngày xưa. Đây chính là nơi cất giữ kỷ niệm, cất giữ những giá trị văn hóa, vẻ đẹp của một dòng nhạc đã trở thành bất hủ với thời gian.

KTS. Nguyễn Văn Tất đã thiết kế Hội Ngộ như một món quà tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Gọi Hội Ngộ là “Ngôi nhà chủ nhân đi vắng”, KTS. Nguyễn Văn Tất tâm sự: “Tôi thiết kế Hội quán Hội Ngộ với tình yêu và lòng kính trọng đối với anh Sơn và âm nhạc của anh, sự cẩn trọng và nghiêm túc đến cùng với nghề nghiệp. Đây thực sự là một nhân duyên, một niềm vui nghề nghiệp, niềm vui với bạn bè, nhưng còn một chút tiếc, như một giai điệu đẹp mà không có điều kiện để viết đến dòng cuối cùng… Khi những người bạn, những người khách đầu tiên đến chơi nhà với cả tấm lòng thì chủ nhân đi vắng, đi và không về. Chỉ có ngôi nhà rộng mở với cỏ cây và gió, như nụ cười hồn hậu quen thuộc của anh…”.

Linh hồn của Hội Ngộ

Ở Sài Gòn, phong cách Cao Lập với Bình Quới 1, 2 hay Văn Thánh đã trở thành một vẻ đẹp riêng, một chọn lựa của người phố thị mỗi khi muốn tìm một chốn nghỉ ngơi, thư giãn. Anh còn được biết đến như một người có đóng góp không nhỏ cho đường hoa Nguyễn Huệ những năm đầu tiên.

Với Hội Ngộ, ban đầu, Cao Lập chỉ định biến nơi đây thành một không gian cho anh em văn nghệ sĩ đến chơi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để sáng tác, triển lãm và trao đổi về văn học nghệ thuật. Nay Hội Ngộ trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của công chúng cùng những cuộc chơi mộc mạc, đơn sơ, ấm áp tình người. Hội quán Hội Ngộ lấy cảm hứng từ quán cà phê Lâm Hà Nội, nơi gặp gỡ ngày nào của các văn nghệ sĩ như Văn Cao, Nguyễn Gia Trí, Bùi xuân Phái, Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân…

Thời gian là thước đo chính xác nhất cho những giá trị thực. Hội Ngộ sống được lâu như thế là nhờ giữ được sự mộc mạc, chân thật của thiên nhiên và những trái tim người. Những đêm nhạc Trịnh ở Hội Ngộ như một lời nhắn nhủ với mọi người, hãy biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông với mọi người, kể cả chính mình, biết chọn những niềm vui nho nhỏ để thấy mình còn lành lặn, đừng quá đau đáu về những cái xấu sẽ khó mà sống được…

Mười năm sương gió tơi bời, mười năm chắt chiu, gìn giữ, hơn 40 chương trình “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn” đã diễn ra nơi đây, và cả những đêm nhạc của các nhạc sĩ khác. Cũng từ Hội Ngộ, nhiều thế hệ ca sĩ trẻ đã được phát hiện qua những cuộc thi hát nhạc Trịnh, để rồi góp mặt cho đời một cách mộc mạc, nhưng tự tin, như Thủy Tiên, Lân Nhã, Trọng Khương, Huy Trực…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới