Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội sách và tầm nhìn mở

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội sách và tầm nhìn mở

Nguyễn Nguyên Thảo

Hội sách và tầm nhìn mở
Hoạt động nhà sách được tổ chức thường xuyên sẽ tạo thêm cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp làm sách, thúc đẩy văn hóa đọc và sự tiến bộ của môi trường xuất bản. Ảnh: N.V.N

(TBKTSG) – Qua sáu lần tổ chức, Hội sách TPHCM đã trở thành hoạt động xuất bản đem lại giá trị kinh tế, là cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp làm sách và xa hơn, hướng đến nguồn lợi vô hình – thúc đẩy văn hóa đọc và sự tiến bộ của môi trường xuất bản.

Hội sách TPHCM lần VII (diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, từ ngày 19 đến ngày 25-3) với chủ đề Sách tri thức – Hội nhập và phát triển  là sự phát triển mục tiêu trên.

Trước hội sách chừng ba tháng, trong đợt sốt giá cuối năm cũ và đầu năm mới, các nhà xuất bản (NXB) và công ty sách tư nhân đã điều tiết lại việc phát hành những đầu sách mới do chi phí sản xuất tăng, đẩy giá thành sách lên làm cho sách trở thành chọn lựa thứ yếu trong bối cảnh nhà nhà thắt lưng buộc bụng. Nhiều người đã dự đoán rằng, hội sách lần này sẽ đìu hiu, doanh thu yếu, ít khách tham quan.

Nhưng từ những ngày khởi động đã có thể thấy chiều hướng ngược lại qua không khí chộn rộn, sốt sắng và hy vọng của 161 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước tham gia với trên dưới 500 gian hàng, có gần 200.000 tựa của hơn 20 triệu bản sách được bày bán. Nhiều đơn vị xuất bản còn “ém hàng” để đợi đến ngày khai hội mới công bố những cuốn sách độc đáo của mình.

Sách tại hội sách năm nay được đầu tư kỹ từ quảng bá, thiết kế cho đến chất lượng bản in, giấy. Hai ngày trước khai mạc, NXB Trẻ công bố số sách tung ra khiến nhiều người giật mình: 327 tựa, gồm 135 tựa mới và 182 tựa tái bản. Trong đó, ngoài những tác phẩm để đọc, thưởng ngoạn như: Cung đường vàng nắng (Dương Thụy), Truyện và chuyện (đạo diễn Việt Linh), Chuyện xứ Langbian (Nguyễn Nhật Ánh), còn có những sách khảo cứu, học thuật như Dạy làm người (Thu Giang – Nguyễn Duy Cần), di cảo Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang Ba Thắc (Vương Hồng Sển) hay bộ Văn học miền Nam Lục Tỉnh (Nguyễn Văn Hầu)… Có những chuyển động nhỏ khá tinh tế trong tư duy làm sách của NXB Trẻ lần này như việc in cuốn Võ Nguyên Giáp – Người yêu nước – Người thầy – Người lính lấy ý tưởng của David Thomas, lời do Tạ Đức và Susan Maguire biên soạn, in trên giấy dó Hà Nội… và chỉ phát hành 105 bản, với giá 2,2 triệu đồng/bản dành cho người chơi sách.

Có những doanh nghiệp tư nhân làm sách nghiêm túc và có thế mạnh kinh tế, đã đi vào những “phân khúc hẹp” nhằm định hình diện mạo. Có thể kể đến Nhã Nam với sách văn học dịch, đã “tiếp thị đậm” cho bốn cuốn Ngược chiều vun vút của tác giả trẻ người Canada sống ở Hà Nội và viết tiếng Việt rất sõi – Joe Ruelle, Vong bướm của Nguyễn Huy Thiệp, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình của GS. Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn, Lolita của Vladimir Nabokov (Dương Tường dịch).

Trong khi đó, Phương Nam Book, một đơn vị sách tư nhân phía Nam lại gây cảm giác dàn trải hơn, nhưng vẫn định hình tốt với bộ sách Tinh hoa văn học do nhà văn Nhật Chiêu tổ chức. Đợt này, Tinh hoa văn học cho in lại Cô gái đồng trinh và chàng du tử của D.H, Lawrence (Hương Châu dịch), Papillon người tù khổ sai của Henri Charrière (Cao Xuân Hạo dịch). Trong khi đó, những đầu sách thiếu nhi vẫn được NXB Kim Đồng, Đông A nâng niu. Đông A giới thiệu bộ sách tranh được chăm chút về thiết kế Leonardo da Vinci của Steve Augarde, NXB Kim Đồng có bộ truyện Shin – cậu bé bút chì của Yoshito Usui đang được độc giả nhỏ tuổi quan tâm. Chibooks, Bách Việt, Alphabooks, Thời đại,… những thương hiệu tư nhân đều có cách khẳng định con đường riêng…

Bên cạnh những tên tuổi như Fahasa, Phương Nam thì sự phát triển của một số đơn vị phát hành sách qua mạng cũng đáng được ghi nhận như Tiki.vn, Vinabook. Sách số cũng là nét mới đáng chú ý khi giá thành sách in ngày càng cao và xu thế sử dụng thiết bị đọc ngày càng tăng. Cho nên chẳng lạ khi NXB Trẻ tiếp thị mạnh sản phẩm YBOOK, còn Phương Nam Book được biết là sẽ cho ra mắt một cửa hàng ebook kinh doanh nguồn sách và cả thiết bị đọc. Trong khi đó, Alphabooks chuẩn bị cho ra năm sản phẩm của dòng sách dạng flash card dành cho tuổi teen.

Điều đáng tiếc và khó hiểu là, trước khai mạc hai ngày, độc giả ngỡ ngàng khi nhiều chương trình hay bỗng dưng bị ban tổ chức thông báo hủy “vì những lý do chủ quan và khách quan”. Trong đó, có những chương trình nâng tầm “tri thức – hội nhập và phát triển” như tiêu chí của Hội sách như bàn về Sách và chấn hưng giáo dục (nhóm Sách hay thực hiện), Hiện tượng học tinh thần của G.W.F. Hegel (nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu), Cạnh tranh chất xám (diễn giả TS. Nguyễn Xuân Sanh và Nguyễn Khánh Trung), Theo đuổi tri thức (diễn giả TS. Nguyễn Thị Từ Huy và TS. Phạm Quốc Lộc)…

Giá trị văn hóa cộng thêm, tầm nhìn mở cho hội sách, vì thế, đã bị hạn chế. Có doanh nghiệp xuất bản đã cay đắng: “Đánh mất sinh khí văn hóa, không khí sinh hoạt tri thức, thì chúng tôi chẳng còn mục tiêu nào khác, ngoài việc thi nhau giảm giá để… xả kho!”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới