Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hội thảo về hợp tác Biển Đông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hội thảo về hợp tác Biển Đông

Bình Nguyên

Ông Dương Văn Quảng (phải), Giám đốc Học viện Ngoại giao, trao đổi với đại biểu trước phiên khai mạc của hội thảo khoa học về Biển Đông tại TPHCM sáng ngày 11-11 – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Những tranh chấp giữa hai hay nhiều bên tại vùng Biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông quan đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan, và không được dùng vũ lực trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Giải pháp trên đã được ông Dương Văn Quảng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh trong phần phát biểu tại phiên khai mạc của Hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề: “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” sáng ngày 11-11 tại TPHCM.

Hội thảo khoa học quốc tế lần 2 về Biển Đông, do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức đã thu hút nhiều diễn giả, các nhà nghiên cứu về Biển Đông và đại diện các tổ chức tại Việt Nam cũng như các nước và vùng lãnh thổ như Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Vương Quốc Anh, Đài Loan, Na Uy, Canada, Singapore, Bỉ, Indonesia, Thụy Điển, Malaysia…

Ông Quảng cho biết Biển Đông là vùng biển còn tồn tại tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ giữa hai hay nhiều bên, và cần được giải quyết dựa trên Công ước về Luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 để đảm đảo sự ổn định trong khu vực.

Trong suốt một năm qua, nhiều chuyển biến quan trọng ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Việt Nam và quốc tế. Theo ông Quảng, về cơ bản, tình thế hòa bình và ổn định vẫn được duy trì ở khu vực này, nhưng cũng có không ít va chạm ở quy mô nhỏ đã phần nào làm tình hình thêm căng thẳng và bất đồng hiện có thêm phức tạp.

Bên cạnh các tranh cãi vốn đã tồn tại về chủ quyền và lãnh thổ, đã xảy ra nhiều va chạm liên quan đến an ninh và an toàn hàng hải, quản lý và khai thác tài nguyên biển. Ông Quảng cho biết đã có nhiều nỗ lực ở các cấp độ khác nhau nhằm tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại thẳng thắn và đàm phán trực tiếp giữa các biên liên quan nhằm tránh các căng thẳng mới xuất hiện, đồng thời tìm cơ chế giải quyết tranh chấp, khuôn khổ pháp lý và giải pháp lâu dài cho mọi vấn đề.

Biển Đông hiện là một vùng biển có nhiều tuyến hàng hải quan trọng và là vùng tàu thuyền quốc tế qua lại nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới. Do vậy, bất kỳ một gián đoạn nào trên các tuyến hàng hải trong vùng biển này đề có thể tạo ra sự bất ổn kinh tế và chính trị của cả khu vực và thế giới.

Chính vì lý do trên, ông Quảng nói việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải cũng như sự tự do qua lại ở Biển Đông là trách nhiệm của tất cả các quốc gia sử dụng vùng biển ở cả trong và ngoài khu vực.

Các vấn đề về hòa bình, phát triển bền vững và an ninh con người tại Biển Đông đã trở thành phần trọng tâm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc. Lý do, theo ông Quảng, là vì vùng biển này đang cung cấp kinh kế cho các cộng đồng dân cư ven bờ và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN và Trung Quốc.

Ông Quảng nói con đường đi đến giải quyết các tranh chấp và tạo ra được một khuôn khổ ứng xử chung ở Biển Đông được các bên liên quan chấp nhận vẫn còn dài. Tuy nhiên, triển vọng đảm bảo an ninh và phát triển Biển Đông là có cơ sở nếu các bên liên quan cùng chia sẽ tầm nhìn dài hạn, tinh thần trách nhiệm, và có thái độ thẳng thắn, minh bạch và xây dựng đối với các tranh chấp liên đến vùng biển này.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 2 ngày. Các chủ đề chính được thảo luận bao gồm tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chiến lược thay đổi, những diễn biến ở Biển Đông gần đây và hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, các vấn đề pháp lý quốc tế trong các tranh chấp ở Biển Đông, và quá trình giải quyết tranh chấp, xây dựng lòng tin và phương thúc thúc đẩu hợp tác khu vực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới