Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 10 doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sữa từ Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 10 doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sữa từ Trung Quốc

(TBKTSG Online) – Ngày 23-9, thanh tra Sở Y tế và công an Hà Nội đã tiến hành thanh tra tại Công ty cổ phần thương mại và công nghệ thực phẩm Hoàng Lâm, Hà Nội và đã yêu cầu dừng bán 25 tấn kem không sữa xuất xứ Trung Quốc, hiện chưa có công bố và chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.

Cũng tại Công ty Hoàng Lâm, đoàn thanh tra phát hiện năm 2007, Công ty đã nhập 42 tấn sữa nguyên kem từ Công ty Weihai Jinbao Dairying, Trung Quốc. Ngày 16-1-2008, khi hàng về đến Việt Nam, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu công ty làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi bán ra thị trường.

Tuy nhiên, Công ty Hoàng Lâm đã bán hết 42 tấn sữa kể trên mà không làm thủ tục yêu cầu. Trong đó, có 18 tấn bán cho Công ty Anco (Ba Vì, Hà Nội), còn lại bán cho một số doanh nghiệp phía Nam, làng nghề sản xuất bánh kẹo, trong đó có Nuti Food.

Đoàn thanh tra đã yêu cầu Công ty Hoàng Lâm thu hồi 2 tấn sữa nguyên liệu còn tồn ở Công ty Anco, thông báo với toàn bộ khách hàng việc thu hồi sản phẩm. Trong trường hợp kiểm nghiệm mẫu sữa trên có chất gây sạn thận, công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Cùng ngày, trước thông tin hiện có khoảng trên 10 doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM nhập sữa nguyên liệu từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng, cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã ký quyết định thành lập 2 đoàn thanh tra do các ông Bùi Đức Phong và Nguyễn Văn Nhường, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn.

Đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sữa tại Hà Nội, TPHCM từ ngày 24-9, đồng thời lấy mẫu sản phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu, phụ gia gửi về Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM kiểm nghiệm.

Tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi nắm được thông tin có 18 tấn Yili, 1/22 nhãn sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Việt Nam, lãnh đạo cục này đã thống kê và cho biết không chỉ Yili, mà đã có tới… 11 loại sữa Trung Quốc khác được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam. Trong số này có 2 loại sữa bột, 3 loại sữa nguyên liệu và 6 loại sữa tiệt trùng. Tuy nhiên, ông Hoàng Thủy Tiến, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng chỉ có Yili nằm trong danh sách 22 nhãn sữa nhiễm melanine.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có buổi trao đổi với tân Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn về việc hồ sơ công bố tiêu chuẩn sữa tiệt trùng Yili bị thất lạc, cùng việc lãnh đạo cục “quên” việc có tới 11 nhãn sữa Trung Quốc đã nhập khẩu vào Việt Nam, vì ngay cuối tuần trước Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vẫn khẳng định “chưa có sữa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam”!

Ông Khẩn nói: Đây là điều chúng tôi phải chấn chỉnh lại. Phải nói thật một điều là hệ thống quản lý cần phải cải tiến lại. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm mới thành lập, nhưng nhu cầu xã hội lại quá lớn. Chúng tôi đang rất nghiêm túc xem xét có còn hay không sữa Trung Quốc đã được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam; sữa đó có nằm trong danh sách nhiễm melanine hay chưa… trong thời gian ngắn. Ngay tối nay chúng tôi tiếp tục phải làm.

Thưa ông, đến hôm qua, 22-9, hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng sữa Yili, một trong 22 nhãn sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc và sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng đã nhiễm melamine bị thất lạc. Việc tìm kiếm thực hiện đến đâu và vì điều này mà có rất nhiều ý kiến lo ngại về khả năng quản lý của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm?

Tôi có thể khẳng định hồ sơ vẫn nằm ở Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, không đi đâu cả. Hôm 22-9, sau khi có thông tin Yili đã được nhập vào Việt Nam, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức tìm kiếm nhưng do có tới hàng vạn hồ sơ gửi đến cục, nên việc tìm kiếm kéo dài hơn.

Về quản lý, tôi mới về cục này 3 tuần, còn chưa quen hết mặt cán bộ ở đây nhưng tôi biết đây là việc rất quan trọng, chúng tôi đang cố gắng hết sức để chấn chỉnh những khâu còn thiếu sót.

Có ý kiến cho rằng nên tạm dừng lưu hành các loại sữa nhập khẩu từ Trung Quốc do lo ngại danh sách 22 nhãn sữa nhiễm melamine sẽ tiếp tục được cập nhật và những nhãn sữa đã nhập vào Việt Nam cũng nhiễm melamine. Ý kiến ông ra sao?

Việc tạm dừng lưu hành các sản phẩm sữa kể trên, chiều 24-9 chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp liên ngành tại Bộ Y tế, với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Công thương… để xem ý kiến của các bộ ngành. Quan điểm của Bộ Y tế là những sản phẩm nằm trong danh sách 22 nhãn sữa nhiễm melamine dứt khoát phải tạm dừng lưu hành rồi, chúng ta phải đặt lợi ích người tiêu dùng lên trên hết. Các sản phẩm chưa nằm trong danh sách, phải tiếp tục giám sát, lấy mẫu kiểm tra, nhưng không vơ đũa cả nắm.

Mỗi lần có thông tin sản phẩm “có vấn đề”, Bộ Y tế lại tổ chức thanh tra và phát hiện sau đó rất nhiều sản phẩm lỗi, chưa đạt chất lượng hoặc có gian dối trong kinh doanh nhưng vẫn được đưa ra thị trường. Ông sẽ làm gì để việc phát hiện sản phẩm dỏm chủ động hơn, không phải ngồi đợi đến khi “việc đã rồi”?

Việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm phải song song với tiền kiểm, hậu kiểm, giám sát trên thị trường. Về lâu dài, phải xây dựng những labo đủ tiêu chuẩn, dự trữ chất chuẩn để giám sát chủ động chứ không chạy theo vụ việc như thế này. Tất nhiên hiện không chỉ có Việt Nam có vướng mắc, nhiều nước khác cũng gặp những vướng mắc như thế, ví dụ như Trung Quốc vừa rồi có phải họ chủ động phát hiện ra melamine trong sữa đâu. Điều đó một phần là do thực phẩm gắn liền với phát triển xã hội, ngay chúng ta cũng không biết ngày mai có bao nhiêu thực phẩm mới ra đời. Việt Nam chưa có luật về thực phẩm, các văn bản pháp luật hiện có chưa đi kèm với hệ thống chế tài nghiêm khắc, cùng với hệ thống kiểm nghiệm đạt yêu cầu.

Thưa ông, sữa Yili nhập khẩu vào Việt Nam đã được xét nghiệm và đạt tiêu chuẩn nhập khẩu, và melamine cũng không có trong danh sách tiêu chuẩn phải xét nghiệm đối với sản phẩm sữa. Vì sao vậy?

Sự có mặt của melamine trong sữa là hành vi gian dối trong kinh doanh. Việc đối phó với những gian dối đó cũng là thách thức với công tác quản lý. Ngay sau đó, hệ thống kiểm nghiệm đã nhanh chóng chuẩn bị chất chuẩn, kịp thời kiểm nghiệm thành phần melamine trong sữa, mặc dù đây không phải là xét nghiệm dễ thực hiện.

MINH HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới