Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 1,3 triệu lao động mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 1,3 triệu lao động mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng

Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Nếu dịch Covid 19 bùng phát, GDP quý 1-2020 của Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm hơn so với mục tiêu đề ra từ 2-3%, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm dự báo có thể đạt 880.000 đến 1,32 triệu lao động, theo báo cáo mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Hơn 1,3 triệu lao động mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng
Trung tâm thương mại vắng vẻ vì Covid 19 – Ảnh: QH.

Hiện nay, dù dịch bệnh chưa lan rộng ở Việt Nam, nhưng tác động của nó tới kinh tế và thị trường việc làm trong nước là rất lớn. Trong tháng 2, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.

Các ngành đang có số lượng lao động bị cắt giảm mạnh có thể kể tới như dệt may; vận tải; dịch vụ ăn uống, lưu trú; xuất nhập khẩu và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm tập trung vào Ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào Thứ bảy, Chủ nhật. Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.000 lao động đang làm việc cũng đang điêu đứng. Vận tải hàng không đã cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí. Lĩnh vực này chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Do vậy, tình hình dịch bệnh kéo dài, nguy cơ hàng ngàn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động. Song hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.

Song song với tình trạng sa thải lao động là sự tụt dốc nhu cầu tuyển dụng, báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, dịch Covid-19 khiến nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, mức độ giảm dao động từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm mạnh như thành phố Hồ Chí Minh tới 40%, Thành phố Hà Nội 36,7%.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2-2020 là hơn 47.000 người, tăng 59,2% so với tháng 1-2020 và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là chưa kể tới số lao động thất nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu tình trạng này kéo dài, tình trạng người lao động mất việc trên diện rộng sẽ gây bất ổn rất lớn cho xã hội.

Mời đọc thêm:

Doanh nghiệp 'lâm nguy' vì ế ẩm, chủ cho thuê cũng lao đao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới