Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 34 triệu cổ phiếu Nhựa Hà Nội sắp niêm yết lên sàn HOSE

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 34 triệu cổ phiếu Nhựa Hà Nội sắp niêm yết lên sàn HOSE

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Với mục đích thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước để mở rộng đầu tư phát triển, Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội đang chuẩn bị niêm yết 34,44 triệu cổ phiếu (tương ứng số vốn điều lệ 344,4 tỉ đồng) lên sàn giao dịch chứng khoán HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM) vào tháng 11 tới.

Hơn 34 triệu cổ phiếu Nhựa Hà Nội sắp niêm yết lên sàn HOSE
Công nhân đang làm việc tại nhà máy của công ty Nhựa Hà Nội. Ảnh: Nhựa Hà Nội

Hiện nay Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội đã nộp đơn lên HOSE, thực hiện các thủ tục để được phê duyệt và niêm yết cổ phiếu đúng như kế hoạch đặt ra.

Được biết, hơn 2 năm trước, Nhựa Hà Nội đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom (sàn giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết) với mã chứng khoán NHH.

Dự định về giá chào sàn HOSE sẽ dựa trên mức giá trung bình của một số phiên giao dịch trước khi hủy niêm yết tại sàn Upcom. Do đó mức giá cụ thể chào sàn sẽ lệ thuộc vào mức giá giao dịch của cổ phiếu này trên sàn Upcom từ nay đến cuối tháng 10.

Sở dĩ Nhựa Hà Nội có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE bởi công ty này sau hơn 40 năm hình thành phát triển thuộc sở hữu nhà nước, đã được tập đoàn tư nhân An Phát Holdings mua lại và nắm cổ phần chi phối từ cuối năm 2018. Trước sức ép đầu tư phát triển, Nhựa Hà Nội lên kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE để thu hút vốn trong và ngoài nước.

Nhựa Hà Nội cho biết muốn đưa cổ phiếu lên sàn HOSE bởi lúc đó các quỹ đầu tư mới tham gia đầu tư vào công ty này được – vì các quỹ yêu cầu rất cao về tính minh bạch thông tin hoạt động của doanh nghiệp, lên sàn chứng khoán buộc doanh nghiệp phải thực hiện điều này. Sàn giao dịch chứng khoán thường quản lý niêm yết khá chặt chẽ, yêu cầu chuẩn hóa hoạt động cao – do đó cổ phiếu sẽ thanh khoản tốt hơn.

Ông Bùi Thanh Nam, Tổng giám đốc của Nhựa Hà Nội cho biết, thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư Mỹ đã đến thăm Nhựa Hà Nội. Thêm nữa ban lãnh đạo công ty này cũng tiếp xúc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu rất kĩ hoạt động của công ty.

Năm nay, Nhựa Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu 1.130 tỉ đồng và lợi nhuận 67 tỉ đồng. Năm ngoái công ty này đạt 1.030 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận gần 56 tỉ đồng.

Nếu theo dõi doanh thu và lợi nhuận của công ty này sẽ thấy mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của công ty giảm mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể năm 2015 doanh thu và lợi nhuận công ty thấp hơn nhiều so với con số mà công ty này đạt được năm 2018, đạt gần 868 tỉ doanh thu nhưng lợi nhuận lại cao nhất trong mấy năm gần đây, đạt hơn 81 tỉ đồng. Năm 2016 đạt gần 906 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận hơn 74 tỉ đồng. Năm 2017 thì hai con số tương tự lần lượt đạt 890 và 58 tỉ đồng.

Ông Nam, Tổng giám đốc Nhựa Hà Nội cho biết những năm gần đây lợi nhuận của công ty này giảm do trước xu thế đổi mới công nghệ, công ty này phải thay đổi rất nhiều thiết bị. Song năm 2020 công ty này đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.600 tỉ và lợi nhuận 145 tỉ. Năm 2021 là 3.500 tỉ doanh thu và lợi nhuận 208 tỉ. Còn 2022 mục tiêu doanh thu 4.500 tỉ và lợi nhuận 258 tỉ.

Sở dĩ Nhựa Hà Nội đưa ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao vì sau khi gia nhập An Phát Holdings vào cuối năm ngoái, công ty này đã bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thay đổi. Trong đó 2 ngành kinh doanh được tập trung đầu tư là ô tô – xe máy và điện – điện tử.

Lúc này, An Phát Holdings tập trung tái cấu trúc, mở rộng đầu tư, tăng vốn điều lệ của Nhựa Hà Nội từ 65 tỉ đồng lên 168 tỉ đồng rồi lên 344 tỉ đồng vào tháng 8 vừa qua. Bên cạnh đó An Phát Holdings đang có kế hoạch dịch chuyển Nhựa Hà Nội trở thành mô hình tổng công ty với 4 công ty thành viên để trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhựa hỗ trợ tại Việt Nam.

Thời gian tới Nhựa Hà Nội sẽ có 4 công ty thành viên, những đơn vị trước đây thuộc An Phát Holdings như: Công ty cổ phần An Trung Industries (chuyên sản xuất các sản phẩm điện – điện tử, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn như dao, thìa, dĩa, túi nylon), Công ty TNHH Phát triển xuất nhập khẩu và đầu tư Viexim (linh kiện ô tô, xe máy), Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast – An Phát (VAPA) và Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC – sản xuất khuôn mẫu).

Ông Nam cho biết biên lợi nhuận các năm tới của Nhựa Hà Nội sẽ tới từ các sản phẩm mới. Dao, thìa, dĩa, túi nylon tự hủy sẽ chiếm 30% lợi nhuận của công ty này. Bởi nhu cầu về sản phẩm này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do chính sách hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu, Mỹ…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới