Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 35 năm và một địa điểm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 35 năm và một địa điểm

Công Thắng

Tượng Phan Bội Châu đặt tạm tại Nhà lưu niệm ở Bến Ngự, Huế. Ảnh: ST.

(TBKTSG) – Mới đây, chính quyền thành phố Huế đã có quyết định dựng pho tượng đồng tạc khuôn mặt Phan Bội Châu – tác phẩm nổi tiếng của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn – ở khu vực công viên gần chân cầu Trường Tiền, bờ Nam sông Hương. Vậy là, sau hơn 35 năm phải long đong “tạm trú”, pho tượng này cũng có được một địa điểm tương xứng với tầm vóc nhà lãnh đạo phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ 20 cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm..

Câu chuyện bắt đầu khoảng năm 1972 khi một nhóm nhân sĩ, trí thức và sinh viên Huế đưa ra ý tưởng làm pho tượng cụ Phan để bày tỏ thái độ trước thời cuộc lúc ấy và cổ vũ tinh thần yêu nước trong quần chúng. Nhóm khởi xướng hoàn toàn có lý do để chọn nhân vật lịch sử này: năm 1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt giải về nước và giam lỏng tại Bến Ngự. Từ đó cho đến năm cụ Phan qua đời (1940), thực dân Pháp luôn theo dõi, rình rập, cấm ngặt mọi sự giao thiệp, tiếp xúc. Con chim đại bàng bao năm vùng vẫy giữa trời xanh giờ bị trói chân, nhốt vào lồng. “Những ước anh em đầy bốn biển; Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian; Sống xác thừa mà chết cũng xương tàn; Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển…” như lời tâm sự của cụ trong bài Từ giã bạn bè lần cuối cùng. Nhưng thực tế, “ông già Bến Ngự” vẫn giữ vững khí tiết, vẫn làm thơ, viết sách và tìm cách gặp gỡ, khơi dậy tinh thần quật khởi trong các giới đồng bào, nhất là thanh niên. Huế trở thành nơi ghi lại dấu ấn những hoạt động yêu nước của cụ giai đoạn cuối đời, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Ý tưởng đúc tượng cụ Phan được nhiều người ủng hộ và đóng góp tiền của, công sức. Nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, vốn đã nổi tiếng trước đó, đảm nhận việc thực hiện. Ông đã dành bao tâm huyết để sáng tác và làm việc miệt mài với sự cộng tác của một số sinh viên mỹ thuật và nghệ nhân Phường Đúc. Pho tượng hoàn thành năm 1973, nặng khoảng 7 tấn, có chiều cao 4,5 mét, (nhiều năm sau, tác giả mới phác thảo phần chân đế và phù điêu mặt sau) và dự kiến sẽ được dựng tại công viên bên bờ sông trước trường Đại học Sư phạm – một không gian khoáng đạt, rất xứng tầm.

Sau đó, do những biến động thời cuộc, pho tượng này vẫn chưa được dựng và nằm yên hơn 10 năm ở Phường Đúc; rồi được chuyển về đặt tạm tại Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự, Huế. Gọi là “đặt tạm” bởi vì khuôn viên nhà lưu niệm vốn khiêm tốn, tỷ lệ không gian không đủ để dựng tượng, chung quanh khuôn viên lại bị che chắn bởi những bức tường của các hộ dân. Bao nhiêu năm tháng qua đi, pho tượng vẫn trầm mặc ở một góc sân nhỏ hẹp.

Nhưng một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc – hơn nữa, là tác phẩm về một danh nhân lịch sử – luôn vượt qua sự thử thách của thời gian và những thăng trầm thế sự. Pho tượng không hề bị quên lãng, nó vẫn được nhắc đến với sự trân trọng, vẫn có một sức hút âm thầm mà mãnh liệt. Rất nhiều người được tận mắt chiêm ngưỡng pho tượng đã phải thốt lên lời trầm trồ: “Quá ấn tượng! Quá đẹp!”. Tất cả thần thái của một nhà cách mạng kiên nghị, mạnh mẽ, tràn đầy nhiệt huyết, một danh sĩ uyên thâm và một “ông già Bến Ngự” u uất trong vòng quản thúc của thực dân Pháp được khắc họa tài tình qua những mảng khối chắc đậm, dứt khoát mà lại uyển chuyển, sinh động. Dưới con mắt của giới chuyên môn thì đây là một tuyệt tác.

Không an lòng với việc đặt tạm ấy, trong suốt nhiều năm, dư luận báo chí và ý kiến của giới trí thức, văn nghệ sĩ và nhiều người dân Huế đã nhiều lần kiến nghị chính quyền tìm một địa điểm, một không gian trang trọng và tương xứng để an vị bức tượng nổi tiếng này. Ngoài công viên bên sông Hương trước trường Đại học Sư phạm, một số địa điểm khác đã được đề nghị. Tuy nhiên, đề xuất vẫn cứ đề xuất, còn nơi chốn cụ thể thì cứ phải chờ quy hoạch. Nhiều người thở than: số phận tượng cụ Phan sao mà long đong!

Giờ đây, cảnh long đong ấy sẽ chấm dứt. Muộn màng nhưng vẫn vui, bởi không phải chỉ một pho tượng nổi tiếng đã có được “chỗ đứng” xứng đáng mà chính hành động để khẳng định “chỗ đứng văn hóa” của người dân và chính quyền thành phố Huế là đáng trân trọng.

Chỉ tiếc một điều là nhà điêu khắc tài hoa Lê Thành Nhơn không còn sống để tận mắt chứng kiến cuộc dựng tượng Phan Bội Châu tại Huế – tâm nguyện của ông trong suốt nhiều năm sống tha hương. Ông đã qua đời cách đây chín năm tại Melbourne, Úc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới