Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 60% công ty ở các đô thị lớn của Trung Quốc chưa mở cửa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 60% công ty ở các đô thị lớn của Trung Quốc chưa mở cửa

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Dù tình hình lây lan của dịch Covid-19 đã dịu lại nhưng nhân viên của hơn 60% công ty ở các thành phố lớn tại Trung Quốc vẫn đang làm việc từ xa. Trong khi đó, khoảng 10 triệu người lao động Trung Quốc vẫn chưa thể quay trở lại làm việc ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các phố người Hoa trên thế giới vắng tanh vì nỗi sợ Covid-19

Hơn 60% công ty ở các đô thị lớn của Trung Quốc chưa mở cửa
Cảnh vắng vẻ tại một ga tàu điện ngầm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA

Nhân viên của nhiều công ty vẫn làm việc từ xa

Theo dữ liệu của hãng tìm kiếm Baidu, cho đến nay, hơn 60% công ty ở các thành phố lớn của Trung Quốc vẫn chưa mở cửa văn phòng trở lại kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Những công ty này tiếp tục cho phép nhân viên làm việc từ xa tại nhà.

Sự thay đổi trong cách vận hành công việc để giúp khống chế đà lây lan của Covid-19 ở Trung Quốc được xem là cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà lớn nhất thế giới với hàng triệu công ty tham gia.

Ban đầu, chính phủ Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đến ngày 30-1, thay vì ngày 24-1 khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Sau đó, ít nhất 24 chính quyền trong số 31 tỉnh thành và khu tự trị của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, yêu cầu các công ty hoãn mở cửa trở lại đến ít nhất là trước ngày 10-2.

Sau thời hạn đó, nhiều công ty vẫn tiếp tục đóng cửa vì lo sợ nguy cơ Covid-19 lây lan ở công ty họ dù nhà chức trách không yêu cầu kéo dài thêm thời gian đóng cửa.

Theo ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu giảm sau ngày 15-2.

Ông nói: “Dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP. Vũ Hán nhưng chúng tôi đã không còn chứng kiến các cơn bùng phát dịch lớn ở các thành phố khác”.

Baidu cho biết các tìm kiếm từ khóa “làm việc từ xa” (bằng tiếng Trung) tăng vọt 6,25 lần trong 3 tuần qua khi các công ty tìm kiếm các phầm mềm văn phòng trực tuyến để vận hành công ty thông qua không gian mạng, giúp giảm thiểu tình trạng gián đoạn công việc.

Theo Baidu, số người dùng thường xuyên hàng ngày dịch vụ Baidu Pan, một ổ cứng ảo giống như Google Drive, đã tăng 50% trong tháng 2 này. Dữ liệu của Baidu cũng cho thấy tỉnh Quảng Đông là nơi có lượng người dùng các nền tảng văn phòng trực tuyến và các công cụ làm việc từ xa khác đông đảo, tiếp sau đó là tỉnh Giang Tô và Sơn Đông.

10 triệu lao động chưa thể trở lại Quảng Đông làm việc

Nhân viên bảo vệ kiểm tra thân nhiệt của một vị khách ở lối vào của một ngân hàng ở TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA

Gần một tháng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng triệu người lao động ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất lớn nhất Trung Quốc, vẫn chưa thể quay lại các nhà máy ở tỉnh này làm việc.

Dữ liệu phân tích hoạt động chuyển vùng của những điện thoại di động đăng ký ở tỉnh Quảng Đông đến ngày 23-10 cho thấy khoảng 10 triệu người lao động (đa số là công nhân) chưa quay trở lại làm việc sau chuyến về quê ăn Tết.

Con số này bao gồm 1,7 triệu người từ tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch Covid-19, nơi đang thực hiện các biện pháp phong tỏa đi lại nghiêm ngặt.

Hôm 25-2, Quảng Đông cùng một số tỉnh khác đã hạ cấp cảnh báo y tế từ mức cao nhất xuống cấp cao thứ hai.

Tính đến ngày 27-2, Quảng Đông ghi nhận 1.347 ca nhiễm virus Covid-19, bao gồm 7 ca tử vong. Đây là tỉnh có số ca nhiễm cao thứ hai ở Trung Quốc, chỉ đứng sau Hồ Bắc.

Theo quy định hiện nay, những người lao động từ các nơi khác trở lại Quảng Đông phải có giấy chứng nhận sức khỏe tốt hoặc phải đến khai báo với chính quyền. Những người quay lại từ các vùng có số ca nhiễm cao sẽ bị cách ly 14 ngày và được kiểm tra thân nhiệt thường xuyên trước khi chính thức đi làm trở lại.

Chen Wenjin, 28 tuổi, nhân viên công nghệ thông tin ở TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, bị kẹt ở quê nhà sau chuyến trở về TP. Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc đón Tết cùng gia đình. Hiếu Cảm, nằm sát TP. Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, vẫn đang bị phong tỏa.

Dù có thể làm việc từ xa nhưng anh lo sẽ mất việc nếu không thể trở lại Quảng Châu sớm. Các biện pháp khẩn cấp như thời chiến, bao gồm dừng giao thông công cộng và lập các chốt kiểm soát trên xa lộ, khiến những người như Chen Wenjin không thể rời Hiếu Cảm dù muốn.

Anh nói: “Cách duy nhất để rời khỏi đây là lái xe nhưng bạn cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe của nhà chức trách ở Hiếu Cảm. Nhưng giấy chứng nhận này không thể xin được vào thời điểm này. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với tôi. Nếu mất việc, tôi sẽ vỡ nợ vì không thể trả khoản vay thế chấp mua nhà. Liệu tôi có bị cách ly sau khi trở lại Quảng Châu? Liệu trong thời gian cách ly, tôi có phải tự chịu mọi chi phí sinh hoạt cho bản thân? Tôi vẫn không biết khi nào và bằng cách nào tôi có thể quay lại Quảng Châu”.

Nhà chức trách ở Quảng Đông khuyến khích người lao động ở các tỉnh khác nhanh chóng trở lại nhưng đồng thời cũng không muốn chứng kiến họ ồ ạt trở lại, có thể khiến dịch Covid-19 bùng lên ở tỉnh này một lần nữa.

Chen Zhusheng, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quảng Đông cho biết sẽ phân cấp rủi ro lây lan dịch Covid-19 của từng khu vực trên cả nước. Những người lao động ở các khu vực có rủi ro thấp sẽ được phép trở lại tỉnh Quảng Đông sớm hơn.

Feng Huiqiang, một quan chức khác của ủy ban này, nói: “Chúng tôi muốn nói với những người ở các khu vực có rủi ro cao rằng họ không nên vội trở lại Quảng Đông. Nếu họ trở lại, họ sẽ bị cách ly 14 ngày”.

Lu Jiahai, Giáo sư ngành dịch tễ học ở Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, nhấn mạnh rằng thực thi các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt như mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, ăn uống riêng… ở nơi làm việc là yếu tố quan trọng để kiểm soát nguy cơ lây lan ở các nhà máy có lực lượng công nhân khổng lồ tại tỉnh Quảng Đông

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Chris Chan King-chi, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề lao động ở Đại học Trung văn Hương Cảng (Hồng Kông), cảnh báo nếu 10 triệu người lao động quay lại Quảng Đông trong tình hình dịch bệnh hiện nay, điều này có thể áp đặt thách thức khổng lồ cho hệ thống y tế địa phương nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng. 

Ngoài ra, hỗ trợ phúc lợi cho người lao động nhập cư cũng là thách thức lớn khác đối với chính quyền tỉnh Quảng Đông vì họ sẽ không được công ty trả lương nếu chưa được phép đi làm ngay.

Theo SCMP, Caixing

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới