Hơn 70% cà phê xuất khẩu bị loại vì chất lượng kém
![]() |
Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước thách thức về quản lý chất lượng xuất khẩu thay vì chạy theo số lượng – Ảnh minh họa: doanhnghiep24g.com |
(TBKTSG Online) – Việt Nam, nước đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê Robusta đang đứng trước một thách thức lớn về quản lý chất lượng xuất khẩu nhằm bảo vệ thương hiệu hơn là chạy theo số lượng.
Ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết chỉ có trên 10% số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam áp dụng quy định xuất khẩu TCVN: 4193-2005 (tương đương các quy định kiểm tra hàng hóa xuất khẩu của Tổ chức cà phê thế giới), nên cà phê Việt Nam xuất khẩu bị loại hơn 70% vì không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Tại hội thảo về: “Thị trường, chất lượng và cơ cấu ngành hàng cà phê” hôm 25-3 tại Hà Nội, các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh thách thức lớn nhất hiện nay là quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, thay vì chạy theo số lượng.
Giám đốc điều hành của Tổ chức cà phê thế giới (ICO) Nesto Osorio dẫn chứng một con số cụ thể hơn: “Từ tháng 10-2006 đến tháng 6-2007, đã có 958.667 bao cà phê Việt Nam (khoảng 74% cà phê xuất khẩu) bị loại thải tại thị trường New York”. Ông Osorio cho rằng Việt Nam cần nghiêm túc cải thiện chất lượng cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 để tránh những thiệt hại lớn hàng trăm triệu đô la Mỹ trên thị trường và giữ vững thương hiệu.
Điều này sẽ càng có giá trị khi ICO dự báo trong thời gian tới giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung hạn chế, dự trữ thấp. Brazil, nước xuất khẩu số một thế giới đang giảm sản lượng đáng kể trong niên vụ 2008-2009 trong khi nhu cầu của thế giới không ngừng gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Việt Nam hiện đứng thứ hai trên thế giới về lượng cà phê xuất khẩu (sau Brazil), đứng thứ nhất về sản lượng cà phê Robusta (cà phê vối). Năm 2007, với sản lượng xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê nhân, cả nước đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,85 tỉ đô la Mỹ, cao hơn xuất khẩu gạo 350 triệu đô la. |
Lộ trình thực hiện tiêu chuẩn nhà nước TCVN 4193-2005 trong sản xuất cà phê xuất khẩu theo dự kiến trước đây sẽ áp dụng từ cuối năm 2007. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã đề xuất lên Chính phủ thay đổi lộ trình này vì các nhà sản xuất trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu chưa chuẩn bị được cơ sở hạ tầng, điều kiện canh tác, thu hoạch. Nếu áp dụng tiêu chuẩn đó trong những năm trước khi thông quan sẽ “tắc” xuất khẩu. Song, việc thả nổi trong kiểm tra chất lượng đã mang lại những hệ quả nói trên.
Đa số các doanh nghiệp cà phê xuất khẩu hiện nay đều áp dụng tiêu chuẩn theo hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận với đối tác mua. Hình thức này phân loại cà phê theo tiêu chuẩn hợp đồng thường đơn giản, chi phí thấp và không đánh giá đúng chất lượng sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất trong năm 2008 vận động, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khầu tự nguyện áp dụng toàn bộ hoặc một số chỉ tiêu chất lượng cà phê nhân theo TCVN 4193-2005. Năm 2010, việc kiểm tra toàn diện cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng bắt buộc trước khi thông quan.
Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam, ông Lương Văn Tự nói rằng muốn chất lượng cà phê xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu cao hơn, trước mắt phải yêu cầu các tỉnh có diện tích trồng cà phê xuất khẩu lớn chỉ đạo người trồng chỉ hái cà phê chín, không hái cà phê xanh. Địa phương và các tổ chức hỗ trợ nông dân có sân phơi, đầu tư máy sấy qua các khoản vay tín dụng. Phía các doanh nghiệp phải có chính sách thu mua cà phê chất lượng tốt, giá cao, không mua xô cà phê như tình trạng hiện nay.
NGỌC LAN