Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 8.000 bệnh nhân đang chờ được ghép thận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn 8.000 bệnh nhân đang chờ được ghép thận

Hùng Lê

Hơn 8.000 bệnh nhân đang chờ được ghép thận
Bộ Y tế vinh danh và tặng bằng khen cho người hiến tặng tạng nhân đạo trong thời gian qua -Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Hơn 8.000 bệnh nhân tại các bệnh viện trên cả nước đang có nhu cầu được ghép thận, cùng hàng ngàn người bệnh khác cũng mong chờ sự giúp đỡ hiến tạng nhân đạo của toàn xã hội.

Thông điệp này được đưa ra tại buổi lễ vinh danh 403 người hiến tạng nhân đạo, và vận động đăng ký hiến tạng nhân đạo được bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Bệnh viên 115 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 tổ chức vào ngày hôm nay 21-3.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tính từ năm 1992 đến nay (kể từ ca ghép tạng đầu tiên của ngành y trong nước), cả nước có hơn 1.200 bệnh nhân được ghép tạng trong đó chủ yếu là ghép thận, chỉ có 30 trường hợp ghép gan, 10 trường hợp ghép tim và một trường hợp ghép thận-tụy.

Theo bác sĩ Sơn, đây là sự nỗ lực rất lớn từ ngành y tế, đội ngũ các bác sĩ đã cố gắng học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến từ Pháp, Hàn Quốc… “Nhưng quan trọng hơn đó là sự hy sinh của những người cho tạng, sự đồng thuận của xã hội, gia đình người hiến tạng” – bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn còn hơn 8.000 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối tại các bệnh viện trên cả nước đang có nhu cầu được ghép thận, 1.500 người cần được ghép gan, 6.000 người đang chờ ghép giác mạc và hàng trăm người đang cần ghép tim, phổi và tụy tạng.

Theo các chuyên gia đầu ngành, một người hiến tạng có thể cứu sống được 6-7 người khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc vận động hiến tạng gặp nhiều khó khăn vì người dân quan niệm "chết phải toàn thay" hoặc bị người nhà cản trở việc hiến tạng sau khi mất.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu – thận học TPHCM, Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, ở các nước, việc hiến tạng, cho tạng rất phổ biến. Còn ở Việt Nam, việc hiến tạng gặp nhiều rào cản do tâm lý, tôn giáo và những ảnh hưởng văn hóa. Nguồn tạng được hiến tặng hiện nay chủ yếu là từ người sống, hiến một phần tạng (gan, thận) cho người thân. Nguồn hiến tạng từ người chết não và người đã ngừng tuần hoàn không nhiều.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi lời tri ân sâu sắc đến những người hiến tạng khi đã chết, gia đình người hiến tạng và những người sống hiến tạng. Bộ trưởng cũng cho rằng, tại nước ta, việc ghép tạng đã có một hành lang pháp lý hoàn thiện: có luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác của Quốc hội khóa XI năm 2006. Về kỹ thuật, ghép gan và thận đã có hàng trăm ca thành công. Đặc biệt, kỹ thuật ghép thận đã trở thành một kỹ thuật thường quy, cứu sống rất nhiều người bị suy thận.

Nhằm thúc đẩy tuyên truyền, vận động người dân hiến tạng, Hội Ghép tạng Việt Nam và Hội vận động hiến tạng đã được thành lập; bên cạnh đó người tham gia hiến tạng được tặng thẻ Bảo hiểm Y tế, tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp y tế…

Tới đây, Bộ Y tế đang hướng đến việc ghép các bộ phận khác cho bệnh nhân như: ghép tim, phổi, giác mạc, cơ xương khớp… Để hỗ trợ cho những bệnh nhân ghép tạng có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh sự hỗ trợ của Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cũng sẽ khuyến khích sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể… hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân.

Tại buổi lễ, Bộ Y tế đã vinh danh, cấp giấy chứng nhận và thẻ Bảo hiểm y tế cho 403 người hiến tạng và người thân, gia đình của người hiến tạng.

Mời đọc thêm:

>>> Khổ với bảo hiểm y tế, vì sao?

>>> Mua bảo hiểm phải chứng minh nhiều thứ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới