Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn 90% doanh nghiệp chưa nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hơn 90% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa nhận thức tầm quan trọng về chuyển đổi số và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ quy trình nào. Một số doanh nghiệp này có tâm lý sợ tốn chi phí và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin khi thực hiện cơ chế chuyển đổi số.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chỗ. Ảnh minh họa: TL

TTXVN thông tin, chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở địa phương đang tồn đọng một số vấn đề như nhiều doanh nghiệp chưa hiểu về cơ cấu chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thiếu nguồn nhân lực, tâm lý sợ tốn chi phí và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin khi thực hiện cơ chế chuyển đổi số.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ước tính tỷ lệ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa nhận thức tầm quan trọng trong chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi từ quy trình nào.

Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn thông tin của các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường, cách tiếp cận các nguồn tài chính, xây dựng hệ sinh thái tổng thể như chính sách, nhân lực, logistics, phương thức thanh toán và hạ tầng kết nối…

Ghi nhận của chuyên gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động chuyển đổi số đã có những bước tiến. Đơn cử, trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx đã có hơn 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia khảo sát thông tin về các nền tảng, khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình áp dụng cho doanh nghiệp, chiếm 10% số lượng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên cổng thông tin về đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp, khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ và xác định được doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào nhằm đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với kế hoạch phát triển toàn diện.

Chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có phương án hợp tác với doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện các kỹ năng kết nối với nhau; cải thiện công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển; mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu tạo điều kiện tiếp cận khách hàng.

Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), quy mô nền kinh tế số Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng ở 3 khía cạnh là kinh tế số công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (ICT), kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành trong suốt 3 quí đầu năm 2022.

Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là dịch vụ công nghệ thông tin, chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số, tiếp đến là thương mại điện tử chiếm 14,3%, hoạt động sản xuất phần cứng chiếm 12,83%. Bên cạnh đó, hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số, tăng gần 104% so với quí 1-2022.

Năm 2022, đóng góp của kinh tế số cho GDP ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó, kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,18%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký đi vào hoạt động ước đạt 70.000 doanh nghiệp (tăng 9,5% so với năm 2021).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới