Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hồn gốm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hồn gốm

Nguyễn Ngọc Tuyết

Các loại bình dù cùng cỡ, cùng kiểu nhưng mỗi sản phẩm vẫn có nét riêng như hàng độc bản. Ảnh: Huỳnh Nam

(TBKTSG Online) – Đôi bàn tay đen nhẻm thoăn thoắt vê tròn trên chiếc bình rồi hai đầu ngón tay cái ấn vào tạo dáng tai bèo cho miệng bình. Dáng vóc chiếc bình hoa vừa lộ rõ, người nắn bình một tay cầm bình, một tay cầm cái nẹp tre dẹp, vét đất dưới đáy bình, chà đi chà lại cho trơn láng rồi đặt xuống, ngước lên nhìn chúng tôi cười. Có lẽ chị đã quen với việc du khách đến tham quan nghề làm gốm ở đây.

Chúng tôi đang có mặt ở làng gốm Bàu Trúc, nơi được xem là bảo tàng gốm truyền thống của dân tộc Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Nhà trưng bày gốm nằm ngay giữa làng, khá rộng rãi khang trang, nổi bật so với các nhà dân quanh đó. Vừa bước vào tôi đã choáng ngợp trước một rừng gốm, muôn màu, muôn vẻ với các chủng loại khác nhau. Nhiều nhất là bình hoa kiểu to, kiểu nhỏ, kế đến là các tượng tháp, các vũ nữ Apsara, lọ nước, nồi ơ… Tất cả đều được nắn bằng tay, tất cả đều xuất phát từ mỏ đất, mỏ cát riêng biệt của phù sa sông Quao.

Từ khi vợ chồng Poklong Chanh, theo truyền thuyết xa xưa, dạy cho cư dân trong vùng làm gốm, đến nay làng gốm này vẫn vậy. Vẫn đất cát đó, vẫn cách làm thủ công đó, cách nung bằng rơm củi đó rồi cách phun màu lấy từ trái dong, trái thị trên rừng kia để cho mỗi sản phẩm gốm là môt dáng vẻ riêng, sắc màu riêng làm say lòng người xứ lạ.

Nhìn những bình hoa, những pho tượng, những vật dụng được nặn ra từ gốm, có cái sắc đỏ hồng, cái đỏ vàng, cái đen xám với những chấm hoa văn mang hình sông nước, những chấm vỏ sò, những hình thực vật và từng vết lốm đốm trên thân, trên cổ bình do quá trình nung lửa mới thấy quả thực mỗi tác phẩm gốm tuy kiểu cách có thể tương tự nhau nhưng mỗi cái đều là độc bản.

Thú vị hơn nữa là mỗi bình hoa, mỗi pho tượng, mỗi ngọn tháp vì được nặn bằng tay nên đều có méo mó chút ít chỗ này, chỗ kia khiến sản phẩm càng trở nên hấp dẫn trước mắt khách tham quan.

Cảm tưởng là vậy nhưng khi vuốt tay vào mấy chiếc bình hoa đặt trên kệ, nghe mát mịn dưới tay bởi sự trơn láng của đất cát đã được nung đi nung lại cho phong phú sắc màu, khi nhìn biết bao kiểu dáng đẹp đẽ chuyển tải ngôn ngữ sống động của một cộng đồng dân tộc, tôi biết mọi thứ ở đây đã có nhiều biến đổi từ sự hồi sinh của làng nghề xưa.

Đó là sự cố gắng tìm tòi, sáng tạo những mẩu mã mới của lớp nghệ nhân trẻ; đặc biệt là Sử Thị Kiều Lan, cô gái trẻ nhất làng Chăm đã thổi hồn vào gốm cổ này.

Đó là sự góp sức vực dậy tiếng tăm gốm Bàu Trúc của nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng, người vẫn được đồng bào Chăm nhắc đến như người trong gia đình của mọi nhà ở đây. Bằng lòng say mê, trân trọng gốm truyền thống, Sĩ Hoàng đã mang gốm Bàu Trúc về TPHCM giới thiệu, quảng bá giá trị loại gốm xưa và tạo thương hiệu riêng cho mình. Và còn nữa, đó là những nỗ lực của bà con dân tộc Chăm vẫn kiên trì bám lấy nghề xưa của tổ tiên, của cha ông trên vùng đất này…

Ở làng gốm Bàu Trúc, mỗi ngôi nhà vừa để ở vừa là nơi sản xuất và trưng bày sản phẩm. Ảnh: Huỳnh Nam

Từ nhà trưng bày bước ra, dài theo con đường nhỏ, hơn chục hộ dân ở kế cận nhau, nhà nào cũng nặn gốm, nhà nào cũng la liệt những sản phẩm gốm đủ kiểu trong nhà và bãi nung gốm đầy tro than trên mảnh đất trước nhà. Một người phụ nữ tuổi ngoài năm mươi cho tôi biết mỗi ngày bình quân chị kiếm được khoảng 100.000 đồng từ việc nặn gốm. Mức thu nhập này có thể còn thấp so với nhiều người ở thành phố, nhưng dù sao, theo lời chị thì đây vẫn là nghề duy nhất của xóm Bàu Trúc này bởi việc cày bừa, ruộng nương đem lại thu nhập rất ít lại nhiều bấp bênh.

Tôi lựa mua cho mình ba chiếc bình hoa, mỗi bình mỗi dạng, mỗi màu khác nhau. Ước gì tôi có thể mua hàng chục bình hoa và nhiều thứ nữa nếu không vì ngại ngần đoạn đường xa trên chiếc xe chật hẹp về miền Tây. May mà mọi thứ đều an toàn, đúng như cụ già người Chăm đã bảo: “Không bể đâu mà! Đồ này dày lắm, chắc lắm!”.

Xếp ba chiếc bình hoa lên đầu tủ, chỉ bình thôi, chưa cắm hoa đã thấy đẹp căn phòng. Trước mắt tôi, những chiếc bình thô mộc ấy như ẩn chứa vẻ đẹp diệu kỳ của đất cát, của lửa, của hồn Chăm một thuở hào hùng, rạng rỡ văn hóa Chăm Pa xưa.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới