Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hỗn loạn ở Venezuela ảnh hưởng thế nào đến thị trường dầu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗn loạn ở Venezuela ảnh hưởng thế nào đến thị trường dầu?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Tình hình hỗn loạn ở Venezuela có thể dẫn đến những tác động lớn đến thị trường dầu toàn cầu theo những hướng đối lập tùy vào diễn biến chính trị tại Venezuela.

Hỗn loạn ở Venezuela ảnh hưởng thế nào đến thị trường dầu?
Sản lượng dầu khai thác hàng ngày của Venezuela giảm từ mức 1,2 triệu thùng trong tháng 12-2018 xuống chỉ còn 476.000 thùng/ngày trong tháng 4-2019. Ảnh: CNN

Hôm 30-4, giá dầu quốc tế ban đầu tăng khi các hình ảnh từ truyền hình cho thấy một cuộc nổi dậy nhuốm màu bạo lực xảy ra ở Venezuela nhưng sau đó giá giảm trở lại khi các nhà quan sát cố giải mã liệu lãnh đạo phe đối lập, Juan Guaido có thành công trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Maduro hay không.

Một số cuộc biểu tình và đụng độ đã xảy ra ở thủ đô Caracas hôm 30-4. 

“Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra tại hiện trường. Tôi sẽ thận trọng với những nhận định về diễn biến ở Venezuela”, Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu ở công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets, một cựu chuyên gia phân tích của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nói.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm đối với thị trường dầu thô quốc tế. Giá dầu đã tăng vọt trong những tháng đầu năm 2019 trước các tác động từ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cũng như các động thái của Mỹ nhằm siết chặt nguồn cung của Iran và Venezuela, hai thành viên quan trọng của OPEC.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thuốc men nghiêm trọng cũng như các sự cố mất điện trên diện rộng ở nước này. Dù có trữ lượng dầu lớn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, Venezuela đang chứng kiến sản lượng dầu sụp đổ do nhiều năm thiếu đầu tư, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA và các sự cố mất điện gần đây.

Sản lượng dầu khai thác hàng ngày của Venezuela giảm từ mức 1,2 triệu thùng trong tháng 12-2018 xuống còn chỉ 750.000 thùng/ngày vào tháng 3-2019, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy. Con số này tiếp tục giảm về chỉ còn 476.000 thùng/ngày trong tháng 4-2019.

Xuất khẩu dầu của Venezuela sang Mỹ, khách hàng số một của Venezuela, đã về zero khi tập đoàn PDVSA bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Các nhà phân tích nhận định, nếu tình hình chính trị Venezuela thay đổi thì cũng phải mất từ 3-4 tháng để sản lượng dầu của nước này mới hồi phục trở lại mức 900.000 thùng/ngày. 

Các lo ngại về sản lượng dầu đang suy giảm của Venezuela đã phần nào dịu bớt trước các hy vọng về khả năng OPEC ra tay hành động. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc OPEC tăng sản lượng để ngăn ngừa giá dầu tăng sốc. Tuy nhiên, hôm 30-4, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih bắn tiếng nước này sẽ không vội vã bơm thêm dầu. Ông thậm chí nói rằng OPEC và các đồng minh có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2019.

Nếu kịch bản đó xảy ra, các nhà sản xuất dầu của Mỹ có khả năng phải gia tăng sản lượng để ghìm giá dầu. Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã đưa Mỹ vượt mặt Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới.Tuy nhiên, các nhà máy hóa dầu ở vùng vịnh Mexico của nước Mỹ không thể chỉ dựa vào dầu đá phiến chất lượng cao vốn có trọng lượng rất nhẹ. Để sản xuất xăng, nhiên liệu máy bay và dầu diesel, các nhà máy hóa dầu Mỹ cần kết hợp với nguồn cung ổn định của dầu thô nặng, loại dầu phổ biến ở Venezuela.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới