Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hỗn loạn ở Venezuela tác động thế nào đến giá dầu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗn loạn ở Venezuela tác động thế nào đến giá dầu?

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Việc Mỹ công nhận một lãnh đạo đối lập ở Venezuela là tổng thống hợp pháp của Venezuela càng khiến tình hình chính trị thêm hỗn loạn ở quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Căng thẳng giữa Mỹ và Venezuela có thể sẽ khiến giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng giá, theo hãng tin CNN.

Khi Venezuela bị siết nợ, giá dầu có thể lại tiếp tục tăng

Hỗn loạn ở Venezuela tác động thế nào đến giá dầu?
Người biểu tình ủng hộ phe đối lập chống trả cảnh sát bạo động ở thủ đô Caracas, Venezuela hôm 23-1. Ảnh: EPA

Nguy cơ Venezuela lún sâu vào cơn hỗn loạn

Mối quan hệ ngoại giao Mỹ – Venezuela tụt xuống một tầm thấp mới khi hôm 23-1, Nhà Trắng bất ngờ tuyên bố lãnh đạo phe đối lập ở Venezuela, Juan Guaido, là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Trước đó, ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela. Ngay lập tức, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Bất chấp các căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, hai nước vẫn có một sự kết nối quan trọng, đó là dầu mỏ.

Mỹ là nước nhập khẩu dầu thô quan trọng và lớn nhất của Venezuela, chiếm 39% sản lượng dầu thô xuất khẩu của Venezuela vào năm ngoái. Và nước này là nguồn dầu cung cấp dầu thô nước ngoài lớn thứ tư của Mỹ vào tháng 10 năm ngoái.

Giờ đây, mối quan hệ buôn bán dầu mỏ này đang đứng trước áp lực lớn. Hãng tin CNN dẫn các nguồn tin cho biết ông Trump đang cân nhắc áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt chính quyền ông Maduro bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ.

Sản lượng dầu mỏ của Venezuela đã sụt giảm mạnh về mức thấp nhất trong 30 năm qua chủ yếu do hạ tầng công nghiệp dầu mỏ đang xuống cấp quá nhanh. Công ty RBC Capital Markets dự báo sản lượng dầu mỏ của Venezuela có thể sụt giảm nửa triệu thùng/ngày trong năm 2019. Song công ty cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến con số giảm này sẽ tăng thêm vài trăm thùng dầu mỗi ngày.

Các biện pháp trừng phạt nhắm đến ngành dầu mỏ Venezuela sẽ càng làm trầm trọng thêm hỗn loạn kinh tế ở Venezuela, vốn có 90% nguồn thu ngân sách dựa vào xuất khẩu dầu mỏ.

Trong thư gửi cho khách hàng hôm 23-1, Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC, nhận định các biến động chính trị ở Venezuela dường như đang tiến gần đến điểm bùng phát.

Các khách hàng mua dầu khác của Venezuela bao gồm Trung Quốc. Song Venezuela không nhận được bất kỳ khoản tiền mặt cho những chuyến tàu xuất khẩu này vì đã ký kết các thỏa thuận dùng dầu để trả nợ cho Bắc Kinh.

Ông Matt Smith nói: “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ cắt đứt huyết mạch của nền kinh tế Venezuela”. GDP của Venezuela giảm 37% trong giai đoạn 2012-2017, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Lạm phát của Venezuela được dự báo sẽ tăng lên mức khủng khiếp 10 triệu% trong năm 2019.

Liệu ông Trump sẽ hành động cứng rắn?

Trong tuần qua, thị trường dầu mỏ không có phản ứng đáng kể nào trước tình hình chính trị hỗn loạn ở Venezuela. Điều này có thể là vì giới đầu tư không chắc chắn những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Tổng thống Donald Trump là một tác nhân góp phần khiến thị trường dầu biến động mạnh trong một năm qua. Đầu tiên, ông đe dọa tái trừng phạt Iran khiến giá dầu tăng sốc thị trường lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Rồi sau đó, ông bất ngờ trừng phạt ngành dầu mỏ Iran với mức độ nhẹ nhàng, làm giá dầu đảo chiều.

Giờ đây, Nhà Trắng đang xem xét trừng phạt Venezuela để gây áp lực thêm cho Tổng thống Maduro. Tiến hành đòn trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela không chỉ sẽ giáng một đòn nặng nề cho nền kinh tế đang suy sụp của nước này mà còn gây là những hệ lụy lớn đối với Mỹ. Thiếu những thùng dầu nhập khẩu từ Venezuela sẽ gây căng thẳng cho các nhà máy lọc dầu ở Mỹ vốn đang nhập khẩu hàng trăm thùng dầu của Venezuela mỗi ngày và điều này có thể đẩy tăng giá dầu thô.

“Mỹ sẽ tự gây tổn thương cho chính mình nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt như vậy nhằm vào Venezuela”, Matt Smith, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa ở công ty phân tích thị trường dầu ClipperData, nhận định.

“Có nhiều nghi ngờ trên thị trường về khả năng ông Trump kích hoạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Venezuela”, Joe McMonigle, một cựu quan chức Bộ Năng lượng Mỹ và giờ đây là nhà phân tích chính sách năng lượng cấp cao ở Công ty Hedgeye Potomac Research, nói.

Song McMonigle tin rằng ông Trump có khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông cảnh báo nếu ông Trump hành động theo hướng cứng rắn như vậy, Venezuela sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn hơn chẳng hạn như nội chiến xảy ra hoặc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) ngừng hoạt động.

Giá dầu sẽ tăng nếu Mỹ trừng phạt Venezuela

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ Venezuela sẽ thúc đẩy giá dầu thô.

Dù sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt lên các mức kỷ lục, nước Mỹ vẫn chưa tự cung tự cấp đầy đủ về nhu cầu dầu.
Các công ty lọc dầu ở vùng duyên hải giáp Vịnh Mexico của nước Mỹ không thể hoạt động nếu chỉ dựa vào nguồn dầu đá phiến của Mỹ. Để sản xuất xăng, nhiên liệu máy bay và các sản phẩm khác, các nhà máy lọc dầu này cần nguồn cung ổn định về dầu nặng. Họ đang phụ thuộc vào nguồn dầu nặng có giá rẻ từ Venezuela.

Dù sản lượng dầu của Venezuela giảm mạnh, nước này vẫn bán 506.000 thùng dầu sang Mỹ mỗi ngày, theo số liệu gần đây của Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela có thể làm tăng chi phí dầu nặng, khiến các công ty lọc dầu của Mỹ hứng chịu thiệt hại khi họ phải tìm nguồn dầu nặng thay thế từ nơi khác.

“Đòn trừng phạt sẽ khiến các công ty lọc dầu của Mỹ là người thua cuộc nặng nề nhất”, nhà phân tích Paola Rodriguez của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy viết trong một báo cáo ngày 24-1.

Venezuela cũng phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng của Mỹ để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ. Dầu nặng của Venezuela cần phải phối trộn với naphtha, một chất làm loãng dầu nặng để giúp dễ dàng vận chuyển.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể bao gồm quyết định cấm các bán chất pha loãng như naphtha cho Venezuela. Dù Venezuela có thể tìm thấy nguồn cung thay thế nhưng chi phí sẽ đắt hơn nhiều.

Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC, nhận định nếu chính quyền của ông Maduro sụp đổ, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela có thể rơi vào tình trạng điêu đứng trong một thời gian dài. “Con đường hồi phục của Venezuela sẽ cực kỳ gian nan trong bối cảnh nước này đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế”, Croft nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới