Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hơn một nửa tiêu chuẩn đo lường chất lượng chưa phù hợp quốc tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hơn một nửa tiêu chuẩn đo lường chất lượng chưa phù hợp quốc tế

Hoàng Phi

Hơn một nửa tiêu chuẩn đo lường chất lượng chưa phù hợp quốc tế
Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Hoàng Phi

(TBKTSG Online) – Theo Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện có gần 6.400 tiêu chuẩn đang có hiệu lực, trong đó mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 43%.

Điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều tiêu chuẩn cần được điều chỉnh theo hướng tương thích với thông lệ quốc tế.

Mục tiêu của Việt Nam là từ nay đến năm 2020 xây dựng thêm 6.000 TCVN cùng các quy chuẩn quốc gia với tỷ lệ hài hòa với các chuẩn mực quốc tế đạt khoảng 80- 90%.

Luật Đo lường Việt Nam được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm 2011, có hiệu lực vào tháng 7 năm ngoái, là văn bản pháp lý cao nhất về quản lý hoạt động đo lường tại Việt Nam.

Mới nhất, hồi tháng 8, quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020 vừa do nhu cầu trong nước, vừa do nhu cầu hội nhập.

Cụ thể, thời gian từ 2013 – 2015 sẽ phát triển, mở rộng phạm vi đo và nâng cao trình độ chuẩn đo lường của 13 chuẩn đo lường quốc gia đã được phê duyệt, đầu tư phát triển mới 12 chuẩn đo lường quốc gia và giai đoạn 2016 – 2020 đầu tư phát triển mới 20 chuẩn đo lường quốc gia khác.

Những thông tin trên được đưa ra tại phiên họp lần thứ 48 của Ủy ban Đo lường pháp định quốc tế (CIML) khai mạc tại TPHCM ngày 8-10, bàn về nhiều vấn đề, bảo gồm cả thúc đẩy sự hài hòa về các tiêu chuẩn đo lường pháp định trên thế giới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.

Đây được coi là cuộc họp quan trọng nhất hàng năm của Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML), một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Paris, Pháp, và phiên họp này, diễn ra từ ngày 8 đến 10-10, là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Việt Thanh cho biết các khuyến cáo quốc tế của OIML là cơ sở để Việt Nam tiếp tục xây dựng một hệ thống các quy định về đo lường không chỉ phù hợp với điều kiện trong nước mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của OIML từ năm 2003, và đang xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên đàm phán của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chính vì thế, các khung pháp lý, bao gồm cả đo lường pháp định (legal metrology), tại Việt Nam, đang ngày được chỉnh sửa cho phù hợp và tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Sự hài hòa các tiêu chuẩn và sự thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức chứng nhận của từng quốc gia được cho là sẽ thúc đẩy thương mại phát triển khi hàng hóa xuất nhập khẩu tránh được khâu đánh giá hai lần, một tại bến đi và một tại bến đến, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Năm ngoái, hội nghị lần thứ 47 được tổ chức tại Bucharest ở Romania với sự tham dự của 51 quốc gia.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới