Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hợp tác chiến lược đổ vỡ, vì sao?  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hợp tác chiến lược đổ vỡ, vì sao?  

Hợp tác chiến lược đổ vỡ, bất lợi cho cả hai bên. Trong ảnh là lúc Vinamit và Indochina Capital ký kết thỏa thuận hợp tác – Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Thời gian gần đây, các quỹ đầu tư nước ngoài có nhiều động thái kết thúc đầu tư hoặc bán ra cổ phiếu của các công ty trong nước mà trước đó hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Khá nhiều “cuộc hôn nhân” như vậy đã đổ vỡ, và nếu xem xét kỹ, thì nguyên nhân đến từ hai phía.  

Mới đây nhất là việc Công ty Tài chính quốc tế IFC quyết định bán ra 9 triệu cổ phiếu trong số 34 triệu cổ phiếu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mà họ đang nắm giữ , khiến ngân hàng này phải lập tức đưa ra văn bản trấn an các cổ đông khác.   

Trước đó, dư luận cũng xôn xao về việc chấm dứt đầu tư giữa một quỹ đầu tư khá lớn tại Việt Nam – Quỹ Indochina Capital – và một công ty có tên tuổi trong ngành sản xuất thực phẩm là Vinamit. Hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược để Indochina Capital mua 20% cổ phần của Vinamit sau ba tháng. Trong ba tháng này, Vinamit sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang dạng công ty cổ phần. Tuy nhiên, trong thời gian tái cấu trúc lại công ty để chuyển đổi mô hình hoạt động, đã xảy ra những khúc mắc dẫn đến kết cục là hai bên đồng ý không thực hiện các thỏa thuận đã ký.  

Thật ra, trên thực tế có khá nhiều cuộc hợp tác chiến lược bất thành nhưng được xử lý một các êm thấm và không đến tai nhiều nhà đầu tư.  

Nguyên nhân trước tiên cần phải nói đến là mục tiêu lợi nhuận của các quỹ đầu tư vì không quỹ nào hoạt động mà không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.

Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Indochina Capital, Thomas Ngô, giải thích rằng các quỹ đầu tư bên cạnh việc có trách nhiệm với các công ty mình đầu tư vào cũng phải có trách nhiệm với các nhà đầu tư vào quỹ, tức những người bỏ tiền ra cho họ hoạt động.

Ông Ngô dẫn chứng, không có gì khó hiểu với việc Texas Pacific Group (TPG) bán 1,2 triệu cổ phiếu FPT vào năm ngoái sau gần một năm nắm giữ, vì giá trị khoản đầu tư của họ đã tăng gấp 2-3 lần. Thêm vào đó, TPG cũng không phải là một tổ chức nước ngoài có mong muốn đầu tư lâu dài tại thị trường Việt Nam.  

Nguyên nhân thứ hai dễ xảy ra là từ phía các công ty tư nhân Việt Nam, vốn đi lên từ gốc là công ty gia đình với thói quen giữ kín những bí quyết cũng như tình hình làm ăn của công ty mình, và khó chấp nhận được việc người ngoài can thiệp vào việc điều hành công ty.

Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty gỗ Trường Thành, nói ông từng tư vấn cho một người bạn có công ty tư nhân muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, người bạn này không muốn trình bày hết những khó khăn về vốn hay những điểm yếu trong tình hình kinh doanh của mình với phía nước ngoài, vì sợ họ sẽ dựa vào đó để chèn ép mình. Do đó, công ty này tìm những cách thức đối phó, chẳng hạn làm cho báo cáo tài chính đẹp hơn, khi trình bày với bên nước ngoài. Tuy nhiên, những việc này không thể qua mắt được kiểm toán sau đó. Kết quả là phía nước ngoài đã không mua cổ phần của công ty này nữa. 

Ông Thomas Ngô của Indochina cho biết khi có dự định đầu tư, bản thân ông phải đi gặp chủ của các doanh nghiệp đó để tạo mối quan hệ và sự tin tưởng trong một thời gian dài. Sau khi có được sự đồng ý, quỹ đầu tư phải đưa chuyên gia phân tích tình hình công ty này từ lịch sử hoạt động đến các chỉ tiêu tài chính, và thuê kiểm toán, luật sư… Để có một hợp đồng chiến lược, quỹ đầu tư phải mất ít nhất sáu tháng, tốn công rất nhiều so với việc đem tiền đi đầu tư cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Cho nên theo ông, không tổ chức nước ngoài nào muốn kết thúc hợp đồng như trong trường hợp với Vinamit mới đây.    

Về phía các công ty Việt Nam, cũng phải chịu đựng áp lực khá lớn từ cổ đông nước ngoài tức những người bỏ tiền vào công ty của họ. Lãnh đạo của một ngân hàng thương mại có tên tuổi tại Việt Nam cho biết bán cổ phần cho nước ngoài rất mệt mỏi, nhất là với các tổ chức lớn, họ đòi hỏi từ phía công ty rất nhiều. Và khi công ty không thỏa mãn được hay không chịu thỏa mãn thì việc chia tay là điều tất nhiên. Ông cho rằng những tổ chức muốn hợp tác với nước ngoài nên suy xét thật kỹ.  

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn quá mới mẻ so với các nước đã phát triển, nên việc chia tay như trên khá bất lợi cho cả quỹ đầu tư nước ngoài lẫn các công ty trong nước. Như trường hợp IFC, sau khi bán cổ phần của Sacombank, đã không được chấp nhận để trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); còn Vinamit, có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.   

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới