Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Hợp tác để nuôi cá tra bền vững”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Hợp tác để nuôi cá tra bền vững”

Thái Hằng thực hiện

Ông Phạm Anh Tuấn.

(TBKTSG Online) – Sau sự kiện WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế) đưa cá tra Việt Nam vào danh mục đỏ rồi lại rút ra, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác với WWF nhằm phối hợp đưa cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm nuôi phát triển bền vững.

Giữa tháng 4, đoàn Việt Nam gồm đại diện Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) và Hiệp hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã sang làm việc với WWF quốc tế tại Geneva, Thụy Sĩ để xây dựng chương trình hợp tác 5 năm cũng như bàn kế hoạch công tác năm 2011 thực hiện ghi nhớ đã ký.

TBKTSG Online đã phỏng vấn ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Trưởng đoàn, sau chuyến đi.

TBKTSG Online: Xin ông cho biết nội dung làm việc với WWF toàn cầu trong chuyến đi vừa qua.

Ông Phạm Anh Tuấn: Nội dung làm việc với WWF toàn cầu của đoàn Việt Nam chủ yếu xoay quanh việc hợp tác nuôi cá tra bền vững, trong đó có việc giới thiệu rộng rãi chương trình ASC, tức dán nhãn và chứng nhận nuôi trồng thủy sản do WWF thế giới đưa ra.

Chúng tôi đã thỏa thuận dịch bảng tiêu chuẩn ASC sang tiếng Việt, tổ chức hội nghị giới thiệu chuẩn ASC, đưa khách hàng các nước châu Âu đến tiếp xúc với các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, chúng tôi sẽ thăm dò cộng đồng sản xuất xem họ muốn dùng chứng nhận ASC hay không để triển khai tập huấn, hỗ trợ thực hiện. Chương trình này sẽ do WWF quốc tế tài trợ.

– Nhiều ý kiến cho rằng, đưa thêm chuẩn ASC vào các chuẩn đang áp dụng trong nuôi trồng và chế biến thủy sản như Global Gap, SQF… là không cần thiết?

Trên thế giới có rất nhiều chuẩn, mình bán hàng vào nước nào thì cần phải theo chuẩn của nước đó, chứ không ai áp đặt.

– Nếu Việt Nam không sử dụng tiêu chuẩn ASC thì liệu có khả năng cá tra lại có nguy cơ lại rơi vào danh mục đỏ?

Nhìn chung là công luận chưa thật hiểu đúng về hệ thống chứng chỉ. Trong sự việc cá tra vừa rồi có thể thấy sự đánh giá ban đầu của WWF là không thực tế, không áp dụng chung trong lĩnh vực cá tra. Sau đó, trong trao đổi họ thấy không phù hợp nên họ đã đưa cá tra ra ngoài danh mục đỏ, vào danh mục trắng, nhưng cũng không đưa vào danh mục xanh.

Vì danh mục xanh, có nghĩa là sản phẩm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, ngoài việc phải đảm bảo an toàn thực phẩm thì còn phải gắn kết với các vấn đề phúc lợi xã hội, không gây ảnh hưởng đến môi trường, có thể hiểu là yêu cầu của WWF toàn diện hơn. Mặc dù vậy, trên thị trường cũng có người vẫn mua mà chẳng cần chứng chỉ gì cả!

– Trong tháng 3 vừa qua truyền hình một số nước châu Âu như Đức, Thụy Điển, hợp tác với WWF tại các quốc gia trên, đưa thông tin bôi xấu cá tra. Có cách giải quyết nào để ngăn ngừa tình trạng đó?

Truyền thông của họ là tự do, chúng ta không cấm được. Bên cạnh đó, theo tôi được biết người của WWF còn làm nhiều nội dung khác nhưng truyền hình lại đạo diễn khác đi. Đó là hai chuyện đó khác nhau.

Nên hiểu là WWF là tổ chức bảo vệ thiên nhiên, trước đây họ trực tiếp bảo vệ thiên nhiên, nhưng hiện nay họ mở rộng ra, hướng đến việc đưa ra chứng chỉ, thông qua các nhà tiêu dùng, bán lẻ, nhập khẩu, hướng đến sản xuất không những sạch mà bảo đảm bảo vệ môi truờng. WWF là tổ chức uy tín, mục tiêu của họ tốt, mà nếu chúng ta làm theo thì cũng tốt cho mình. Tại sao lại không hợp tác? 

Để ngăn ngừa tình trạng báo chí nước ngoài đưa tin bài không chính xác về sản phẩm cá tra, chúng ta phải đẩy mạnh công tác truyền thông, không chỉ làm truyền thông ở trong nước mà còn phải tác động đến với người tiêu dùng và giới truyền thông nước ngoài để giúp họ hiểu biết hơn về chúng ta.

Chuyến đi vừa rồi của chúng tôi cũng là một cách làm truyền thông, chứng tỏ rằng Việt Nam cam kết thực hiện, tôn trọng thỏa thuận với họ. Ngoài ASC, chúng tôi cũng làm việc với Global Gap. Tựu trung lại làm cách nào để cùng thỏa thuận và hợp tác thay vì tranh cãi. Đầu tháng 5 tới chúng tôi sẽ tiếp tục sang Bỉ làm diễn đàn bên đó để tuyên truyền nhận thức người tiêu dùng về cá tra.

Điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu họ định bán vào đâu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Hơn nữa,doanh nghiệp cũng cần định hướng, nhìn vào tương lai để nắm bắt được thị trường, người tiêu dùng hướng đến sử dụng sản phẩm xanh hơn, sạch hơn chẳng hạn.

Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới