Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hợp tác nhà nước – tư nhân về hạ tầng: “công” vẫn lấn “tư”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hợp tác nhà nước – tư nhân về hạ tầng: “công” vẫn lấn “tư”

Việc chưa phát triển hình thức hợp tác nhà nước – tư nhân trong đầu tư hạ tầng đã làm tăng gánh nặng ngân sách, hạn chế tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Kinh nghiệm thực hiện mô hình hợp tác nhà nước – tư nhân (Public Private Partnership – PPP) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng từ hơn 50 nước trên thế giới cho thấy, quốc gia nào có thể chế nhà nước mạnh thường thành công nhất với mô hình này.

Một dự án PPP tốt, trước hết, đòi hỏi phải có sự ủng hộ và điều phối hiệu quả từ chính quyền trung ương, cho dù ở bất cứ thể chế chính trị nào.

Ngoài ra, công tác đấu thầu, mua sắm nguyên vật liệu cho công trình xây dựng hạ tầng phải bảo đảm tính minh bạch và tính cạnh tranh – những yếu tố gắn chặt với một thể chế tốt.

Nhu cầu vốn đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở Việt Nam từ nay đến năm 2020 là khoảng 2.157.196 tỉ đồng, tức là mỗi năm cần 165.938 tỉ đồng, theo ước tính của ông Trương Tấn Viên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải. Nhà nước không thể kham nổi số vốn này. Trong khi đó, cánh cửa cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vốn vào các công trình hạ tầng giao thông thì vẫn “mở hờ”.

Ông Viên nói tại hội thảo về mô hình PPP cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hôm 25-6 tại Hà Nội rằng, trong giai đoạn 2001-2008 tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là 117.794 tỉ đồng, nhưng chủ yếu vẫn huy động từ nguồn ngân sách (tính cả các tổng công ty 91) với 63.113 tỉ đồng, chiếm 53,58%, tiếp đến là thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với 32.818 tỉ đồng (27,86%), còn ngoài ngân sách chỉ là 14.206 tỉ đồng, chiếm 12%.

“Việc huy động vốn ngoài ngân sách là hết sức khó khăn, chủ yếu do khả năng hoàn vốn từ thu phí của các dự án thấp. Thể chế chính sách về đầu tư BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) chưa đầy đủ nên quá trình chọn nhà đầu tư khó khăn, bị động”, ông Viên nhận định.

Bất cập từ thực tế kết nối nguồn vốn công – tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Việt Nam có nguyên nhân chính từ mặt chính sách vĩ mô chưa tạo điều kiện cần và đủ để mô hình PPP phát triển, và rõ ràng, một mình khu vực công hay tư khó có thể làm nổi.

Việt Nam chủ yếu đầu tư kết cấu hạ tầng bằng vốn ngân sách, đi vay nước ngoài, phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ. Điều này đã hạn chế tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ông Viên nói thẳng: “Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có kinh nghiệm và chưa có quy trình về việc hợp tác nhà nước – tư nhân trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Giữa nhu cầu phải sớm có cơ sở hạ tầng và các dự án thu phí người sử dụng không khả thi có mâu thuẫn lớn chưa được giải quyết trong khi Chính phủ lại chưa có chủ trương rạch ròi về việc góp vốn của Chính phủ cho các dự án nên rất khó huy động vốn”.

Ở góc độ này, mô hình Ấn Độ có thể là một gợi ý tốt để Việt Nam tham khảo. Chính phủ nước này sử dụng khái niệm “Quỹ Viability Gap”, trong đó các dự án đủ điều kiện có thể được tài trợ vốn lên đến 20% tổng mức vốn dự án, và một số lượng vốn tương đương khác do đơn vị phụ trách PPP của bang tài trợ. Ngoài ra, Ấn Độ còn lập ra Quỹ Phát triển Hạ tầng, gọi tắt là IIPDF nhằm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho khu vực tư nhân.

Ông William Dachs, chuyên gia về PPP của WB, nhấn mạnh tất cả các dự án PPP thành công đều phải đáp ứng các thủ tục nghiên cứu khả thi và đấu thầu; phải áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh.

“Kinh nghiệm quốc tế về mô hình PPP là phải lập kế hoạch toàn diện, dự tính doanh thu và chi phí một cách chắc chắn, có hỗ trợ mạnh mẽ về thể chế và khung pháp lý vững chắc, chính phủ đề ra quy tắc rõ ràng về hỗ trợ và giám sát tài chính và hợp đồng phải được tuân thủ nghiêm túc. Chỉ có đầy đủ các yếu tố này, một dự án công – tư về xây dựng hạ tầng mới có thể thành công”, ông Dachs chia sẻ.

Nhìn tổng thể, hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngày càng tụt hậu, không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước 85 triệu dân đang trên đà phát triển mạnh và nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Tống Quốc Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam chủ yếu đầu tư kết cấu hạ tầng bằng vốn ngân sách, đi vay nước ngoài, phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ. Điều này đã hạn chế tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, ông Đạt nói.

Ông Nguyễn Khắc Thân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) – đơn vị trực tiếp góp và thu xếp vốn để đầu tư các dự án đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương – Cần Thơ, cảng Hòn La… nói, chìa khóa thành công cho các dự án PPP ở Việt Nam là sự hợp tác có hiệu quả giữa nhà nước và tư nhân, và phải cân bằng giữa lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được từ dự án với mục đích xã hội của dự án.

“Dự án hạ tầng cần vốn lớn, thời gian thu hồi kéo dài nên nhà đầu tư tư nhân muốn biết liệu họ bỏ tiền ra sẽ có lợi gì và được ưu đãi cụ thể ra sao khi tham gia”, ông Thân nói.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới