Chủ Nhật, 15/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hợp tác xã ứng dụng kỹ thuật số để xây dựng thương hiệu

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, trong năm 2022, ước tính cả nước thành lập mới 2.187 hợp tác xã, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp, thương mại ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu.

Phần lớn các hợp tác xã ở Việt Nam là hợp tác xã nông nghiệp. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Baochinhphu.vn dẫn lời ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết khu vực kinh tế tập thể đang phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, mô hình này coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn, đảm bảo sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Theo ông, khuyến khích hợp tác xã tích lũy và sử dụng hiệu quả vốn trong tổ chức kinh tế tập thể là cần thiết.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, năm 2022, ước tính cả nước thành lập mới 2.187 hợp tác xã, đạt 109,35% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, thành lập mới 1.723 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 78,8%).

Theo đó, phấn đấu trong năm 2023 thành lập mới ít nhất 3.000 tổ hợp tác, 2.000 hợp tác xã, 20 liên hiệp hợp tác xã. Tổng số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt trên 60%. Tỷ trọng hợp tác xã liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đạt ít nhất 25% tổng số hợp tác xã. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã tăng từ 10% trở lên so với năm 2022.

Ngoài ra, tại Hội nghị tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết thêm, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đang thực hiện chuyển đổi số. Điều này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Theo đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp, thương mại ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm cả trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, khu vực kinh tế tập thể của Việt Nam chưa phát triển như mục tiêu. Vẫn còn khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số. Một trong những nguyên nhân là do nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền… còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất về kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương khuyến nghị cần có giải pháp đột phá cho nền kinh tế tập thể. Trong đó nổi bật là chính sách sửa đổi căn bản Luật Hợp tác xã năm 2012; nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; và tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển các hình thức kinh tế tập thể và hợp tác xã.

Theo Baochinhphu.vn, Quochoi.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới