Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

HSBC: Covid-19 ngăn cản sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

HSBC: Covid-19 ngăn cản sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam

Vân Phong

(KTSG Online) – Các ổ dịch Covid-19 mới phát sinh làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất, gây ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế bền vững của Việt Nam, theo HSBC.

HSBC: Covid-19 ngăn cản sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam
Hoạt động xét nghiệm Covid-19 cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp Vân Trung, thuộc tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn thuộc HSBC Việt Nam, cho biết Covid-19 vẫn là rủi ro lớn nhất khiến một số quốc gia phải đối mặt với những hạn chế về khả năng di chuyển trong nước và gián đoạn hoạt động. Với Việt Nam, thách thức cho tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung ở các yếu tố nội tại khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư với số ca nhiễm tăng nhanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đã khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều trở ngại.

“Các ổ dịch gần đây làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế bền vững của Việt Nam”, ông Khoa nói.

Cũng theo chuyên gia này, việc Chính phủ phải áp dụng biện pháp đóng cửa nhiều khu công nghiệp và giãn cách xã hội kéo dài chắc chắn đà tăng trưởng trong quí 3 nói riêng và nửa sau của năm 2021 đặt ra rất nhiều thách thức. Theo đó, các chỉ thị giãn cách để ngăn ngừa dịch bệnh đã dẫn đến sự suy giảm nặng thêm về triển vọng tiêu dùng và sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch.

Ngoài ra, biến thể mới của Covid-19 và tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 chậm sẽ tiếp tục gây trì hoãn việc mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đại chúng và các nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, Khối Nghiên cứu HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam từ 6,6% xuống 6,1%.

Về tỷ giá, đồng đô la Mỹ vẫn cho thấy nhiều biến động mạnh, theo ông Khoa. Cụ thể, chỉ số USD Index sau khi đạt đỉnh của năm vào cuối quí 1 đang tìm lại sức mạnh của mình khi bật tăng trở lại vào nửa cuối tháng 6, ngay sau phiên họp thường kỳ của Fed.

Với việc đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại, ông Khoa cho rằng các đồng tiền trong khu vực châu Á, bao gồm tiền đồng sẽ chịu áp lực suy yếu tương ứng. Theo đó, tỷ giá USD/VND giao dịch trong biên độ 23.010-23.100 trong phần lớn thời gian 6 tháng đầu năm 2021 với xu hướng thiên về tiền đồng tăng giá, nhưng xu hướng này có dấu hiệu đảo ngược sau kỷ họp gần nhất của Fed.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn, trước khi quyết định hạ giá mua xuống 22.975 vào tuần đầu tháng 6-2021.

“Điều này cho thấy dư địa để tiền đồng có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn. Nhưng về trung và dài hạn, vẫn không bỏ ngỏ khả năng tiền đồng chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo 23.100 vào cuối năm nay”, ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, tỷ giá USD/VND sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm khi Fed có thể quyết định nâng lãi suất trong những tháng tiếp theo, cũng như những rủi ro nội tại mà dịch Covid-19 tạo ra.

Về lãi suất, tình trạng vật giá leo thang khiến thị trường tài chính bắt đầu tỏ ra quan ngại khi ngân hàng trung ương các nước bắt đầu phải tính đến chuyện siết van thanh khoản và nâng lãi suất điều hành. Nhưng mối lo ngại này tập trung nhiều hơn ở các quốc gia phương Tây. Còn các quốc gia châu Á, gồm Việt Nam chưa cho thấy áp lực của lạm phát.

Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài, việc nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra, theo ông Khoa.

Chuyên gia này cho rằng cơ quan điều hành cần cân nhắc nhằm tránh việc nâng lãi suất quá sớm hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới