Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hủ tíu sa tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hủ tíu sa tế

Phúc Minh

Chợ Lớn có nhiều quan bán hủ tíu sa tế, một món ăn của người Triều Châu. Ảnh: Phúc Minh

(TBKTSG Online) – Từ nhỏ, tôi đã được má dẫn đến tiệm Quang Ký, trước cửa hội quán Tam Sơn trên đường Triệu Quang Phục (quận 5, TPHCM), thưởng thức hủ tíu sa tế bò. Theo lời má tôi, một người Việt gốc Hoa sống tại Sài Gòn – Chợ Lớn gần 60 năm, tiệm ăn này có mấy chục năm rồi.

Má tôi bảo ngày trước, Chợ Lớn có nhiều tiệm bán hủ tíu sa tế. Hiện nay, tôi chỉ đếm được chừng chục tiệm, tập trung tại khu vực quận 5, 6. Phần lớn các tiệm đều treo biển hiệu song ngữ Việt – Hoa, có từ “Ký” dễ nhận biết như Tô Ký, Quang Ký, Phiêu Ký, Sương Ký…

Có tiệm đã kinh doanh hơn 30 năm, cũng có tiệm mới mở vài năm gần đây. Nhưng điều đặc biệt, tất cả chủ tiệm đều là người Tiều vì đây là món ăn của người Triều Châu và thường thì các chủ tiệm đều theo kế nghiệp cha ông, kinh doanh hàng ăn.

Hôm nọ, một anh bạn đồng nghiệp có việc vào Chợ Lớn, khi đói bụng anh ghé đại một quán bán hủ tíu sa tế nai, ăn xong về cơ quan, anh khoe: “Hủ tíu sa tế ngon quá trời, em ạ!”.

Hủ tíu sa tế có thể là món ăn lạ với anh bạn tôi nhưng với tôi, một người Việt gốc Hoa sinh ra và lớn lên tại Chợ Lớn, thì đây là một món ăn rất quen.

***

Quán hủ tíu sa tế nai mà anh bạn tôi khen “ngon quá trời” có tên là Anh Đức, nằm trên đường Phạm Văn Chí (quận 6), mở cũng được 6 – 7 năm. Quán bình dân nhưng cũng nhiều khách ăn mặc sang trọng cũng đến đây thưởng thức.

Dừng xe trước cửa tiệm, sẽ nghe mùi thơm phức bốc ra từ nồi nước lèo sôi sùng sục. Chủ tiệm người Tiều, theo thói quen đặt xe hủ tíu trước cửa, nấu nướng để người khác có thể nhìn thấy được. Thực khách có đủ người Hoa, Việt, Khmer, ra vào tấp nập. Khách và chủ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hoặc tiếng Tiều tíu tít.

Hủ tíu của người Hoa có nhiều loại như thịt heo, xá xíu, thập cẩm, sườn, viên, xào… nhưng có thể nói hủ tiếu sa tế được điều chế gia vị cầu kỳ hơn cả.

Sợi hủ tíu mềm, đặc trưng để phân biệt hủ tíu của người Hoa với hủ tíu của người Việt và Khmer, thường làm sợi hủ tíu dai. Nước sốt nấu bằng bột đậu phộng, tẩm gia vị đại hồi, tiểu hồi, quế chi, thảo quả, đinh hương, cam thảo, cà ri, nghệ, lá thơm… Chủ tiệm mang hủ tíu trụng qua nước sôi rồi đặt vào nước sốt đậu phộng sền sệt, rắc thêm ngò gai, rau quế, dưa leo, giá và vài lát cà chua.

Khi ăn, sẽ thấy nước dùng có vị cay, ngon và lạ miệng. Mấy lát thịt nai mềm, ngọt, chấm với nước chấm có gừng giã nhuyễn thêm chút giấm đường.

Hủ tíu sa tế. Ảnh: HT

***

Tại các tiệm lâu năm, chiếc xe hủ tíu xưa vẫn được giữ lại. Xe thường được làm bằng gỗ, thùng xe phía dưới che nồi đựng nước lèo. Phía trên xe trang trí tranh kiếng sơn màu đỏ, vàng, xanh lá, xanh dương; có hoa văn long phụng, hoa sen, mai-lan-cúc-trúc hay hình vẽ các nhân vật lịch sử nổi tiếng hoặc những tích chuyện xưa của Trung Quốc.

Các tiệm hủ tíu có thể bán một lúc nhiều món nhưng đa số thực khách khi vào tiệm đều gọi hủ tíu sa tế vì đây là món đặc sản.

Dân sành ăn Sài Gòn thường vào Chợ Lớn ăn hủ tíu. Đến Chợ Lớn để thưởng thức hủ tíu sa tế có thể xem là cách tận hưởng sự giàu có của văn hóa ẩm thực ở vùng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới