Thứ Hai, 25/09/2023, 05:05
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Huế vẫn vậy  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Huế vẫn vậy  

Một góc lăng Tự Đức – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Mười lăm năm tôi mới trở lại Huế. Cảnh xưa, quán cũ dường như không thay đổi.

Buổi sáng lấy phòng khách sạn ở gần ga Huế, chiều tôi đón xích lô tới quán chè Hẻm ở đường Hùng Vương, gần đầu cầu Trường Tiền phía nam. Quán vẫn vậy, chỉ khác là bây giờ một ly chè hai ngàn đồng, cái hẻm đi vào quán mà lâu dần trở thành tên quán, trước đây mùa mưa hay lầy lội, bây giờ tráng xi măng bằng phẳng.  

Hồi đó tôi học ở trong Thành nội, mà người Huế quen gọi là bờ Bắc, nhận học bổng toàn phần được 16.400 đồng mỗi tháng, cộng thêm 4.400 đồng tiền hỗ trợ hàng tháng của Bộ Nông nghiệp cho sinh viên đại học nông nghiệp, vị chi tôi nhận hơn hai chục ngàn, đóng tiền ăn hàng tháng 16.000 đồng. Trong một hai năm đầu tiên của đời sinh viên, tôi ăn chè Hẻm chỉ mất 200 đồng, sau đó giá tăng lên 500 đồng một ly.

Cuối tháng nhận học bổng, chúng tôi đạp xe qua cầu Trường Tiền “thăm” quán và trước khi đứng dậy đi về, không đứa nào ăn dưới ba ly chè. Đó là điều mà tôi thấy lạ nhất khi ra Huế học, chứ ở quê tôi, hay như Sài Gòn, người ta ăn chè mỗi người một ly, ít khi gọi tới ly thứ hai. Nhưng trong con mắt chúng tôi lúc đó thì vào chè Hẻm mà ăn một ly thì xấu hổ làm sao.

Giờ tôi liếc nhìn các bàn bên cạnh, sao họ giống tôi thời sinh viên quá, cũng trẻ, cũng ăn nói rôm rả, ly để chật cả bàn. Tôi đoán chừng chắc họ cũng thi ăn, đứa nào ăn nhiều nhất khỏi phải trả tiền như chúng tôi ngày trước.  

Lần này vào quán, tôi cố nhớ lại thời sinh viên xem thử có khác gì không. Vẫn tên các loại chè được ghi rõ trên bức tường của quán, khách cứ nhìn lên tường mà chọn món ăn. Những loại chè không bán thì có dấu gạch chéo. Tôi vờ hỏi bác chủ quán: “Gạch chéo là chè đó không bán hôm nay hả bác?”. “Mùa này không có sen hồ nên không bán chè sen, chú à”, bà trả lời thẳng thắn y như hồi trước chúng tôi hay cắc cớ hỏi chè sen hồ hay sen biển.

Ở Huế, sen trồng trong các hồ, nhiều nhất là trong Thành nội, mà nổi tiếng là sen hồ Tịnh Tâm, gọi là sen hồ và chỉ có theo mùa. Còn sen trồng ở các huyện ven biển, gọi là sen biển, thì gần như mùa nào cũng có và bán đầy ở chợ Đông Ba phía bên kia cầu Trường Tiền cho khách du lịch mua về làm quà.  

Những ai từng học ở Huế đều biết tiếng quán chè Hẻm, cũng phần nào nói lên “thương hiệu” của nó. Giá ly chè bây giờ chỉ có hai ngàn đồng mà chủ quán vẫn cương quyết bán chè sen hồ thứ thiệt chứ không dùng sen biển mà bảo là sen hồ. Chắn chắn là bác chủ quán chưa từng học qua quản trị kinh doanh hay khoa bán hàng ở đại học vốn khá thời thượng bây giờ, nơi người ta hay giảng giải chữ tín trong kinh doanh. Bác chẳng cần treo bảng hiệu “Chè Hẻm” bắt mắt nhưng riêng đối với tôi, đã đến Huế mà chưa vào ăn chè Hẻm thì thấy thiếu thiếu.

Năm cuối của thời sinh viên, tôi ở trọ nhà Mệ nằm lưng chừng dốc Bến Ngự, đường Trần Thúc Nhẫn ở bờ Nam. Biết tôi thích ăn trái vả với mắm tôm chua, Chủ nhật Mệ thường đi bộ xuống chợ Bến Ngự ở cuối dốc mua tôm chua, còn tôi hiểu ý, chạy ra sau vườn lặt vài trái vả.

Vườn nhà Mệ rộng, chắc phải 500 mét vuông với nhiều cây trái xum xuê nhưng căn nhà của Mệ thì nhỏ so với khu vườn và cũ kỹ như khá nhiều ngôi nhà vườn ở Huế. Nhờ vậy mà tôi có “việc làm thêm” vào dịp cuối tuần như rong rào dậu, tỉa nhánh, leo lên cây hái trái cho Mệ. Mười lăm năm sau khi rời Huế, trở lại thăm Mệ, Mệ đã rất già, 78 tuổi chứ ít gì nhưng vẫn nhớ tôi.

“Con ăn vả, mắm tôm không?”, Mệ hỏi làm tôi ngớ người. Mệ vẫn còn nhớ tôi với món ăn dân dã của Huế là mắm tôm chua, ăn với trái vả, mít trộn và uống nước chè xanh. Mệ còn nhớ và hỏi thăm cô sinh viên trường Y mà hồi tôi ở trọ nhà Mệ, cô ấy có ghé thăm tôi. Tôi cười thầm trong lòng và cũng tự trách mình sao không viết thư báo cho Mệ khi chúng tôi làm đám cưới sau khi ra trường.  

Mệ cặm cụi làm cơm, tôi ra vườn ngắm cảnh mà lòng thấy thương Mệ. Mệ sống một mình, hình như chồng Mệ và con trai đã hy sinh trong chiến tranh vì nhà Mệ có treo ba bằng liệt sĩ và tấm bảng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi nhớ Mệ còn có hai người con gái, một người sống ở tận Đồng Nai, một người ở gần đó nhưng sâu trong hẻm mà Mệ quen gọi “xóm trong”, y như cách gọi ở nông thôn.  

Mà sao tôi vô tâm thế, sống với Mệ hơn một năm mà tôi chẳng bao giờ hỏi, còn Mệ cũng chẳng bao giờ kể chuyện chồng và những người con đã hy sinh. Bây giờ tới thăm Mệ, tôi lại sực nhớ là mình chưa hỏi chuyện đó, và cả cái chuyện hình vẽ một ông quan lại ngày xưa treo trong gian thờ chính của nhà Mệ. Chắc đấy là bố chồng Mệ.  

Bây giờ xung quanh nhà Mệ người ta đã xây nhà mái bằng, hiếm dần những ngôi nhà vườn như nhà Mệ. Nhưng Mệ vẫn vậy, chỉ khác chút là tai Mệ nghe không rõ như trước. Căn nhà của Mệ vẫn vậy, có khác chăng là người con rể của Mệ mua tấm la phông nhựa đóng trần nhà, thay la phông gỗ đã mục, nền nhà bằng gạch cũ kỹ thay bằng gạch men.

HỒNG NGỌC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới