Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hướng dẫn luật nhưng hiểu sai luật?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hướng dẫn luật nhưng hiểu sai luật?

Tranh luận căng thẳng giữa Tổng giám đốc và cổ đông Công ty Bông Bạch Tuyết tại đại hội cổ đông của công ty này năm 2008 – Ảnh chỉ mang tính minh họa

Các quy định của Luật Doanh nghiệp đã tương đối hoàn chỉnh tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn luật này vẫn còn một số vấn đề làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.

Trong phạm vi bài viết này tôi muốn đề cập đến những bất cập trong thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần.

Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 (Luật Doanh nghiệp 2005) và điều lệ hoạt động của công ty. Theo đó, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc (tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty. Việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định thay đổi có hiệu lực.

Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày  29  tháng 8 năm 2006, về đăng ký kinh doanh quy định công ty phải gửi kèm theo thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật các tài liệu: quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật. Quyết định, biên bản họp đại hội đồng cổ đông phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong điều lệ công ty.

Việc quy định tài liệu kèm theo trong hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần như vậy là chưa đúng với Luật Doanh nghiệp 2005 và gây ra những trở ngại không nhỏ dẫn đến tốn kém lớn không cần thiết cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, người đại diện theo pháp luật là giám đốc/tổng giám đốc (hoặc chủ tịch hội đồng quản trị) không phải do đại hội đồng cổ đông bổ nhiệm. Theo khoản 2 điều 96 Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông thì không có điểm nào quy định quyền bổ nhiệm các chức danh nói trên thuộc về đại hội đồng cổ đông.

Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc hoặc bầu (trường hợp chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật) chức danh này thuộc về hội đồng quản trị công ty theo quy định tại điều 108 và điều 116 Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, về nguyên tắc, cấp nào có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, bầu thì cũng chính cấp đó được quyền thay đổi, bãi miễn…

Như vậy có thể nói nghị định 88/2006/NĐ-CP yêu cầu phải có quyết định bổ nhiệm và biên bản họp của đại hội đồng cổ đông về vấn đề thay đổi người đại diện theo pháp luật là không đúng luật. Trong trường hợp này, người soạn thảo có thể đã nhầm lẫn do nghĩ rằng: thay đổi người đại diện theo pháp luật đồng nghĩa với việc phải sửa đổi điều lệ công ty (vấn đề này lại thuộc quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông).

Tuy nhiên, luật không quy định điều lệ công ty phải ghi rõ tên tuổi của người đại diện theo pháp luật nên khi thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi điều lệ. Vì vậy, hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật chỉ cần có thông báo kèm theo quyết định và biên bản họp của hội đồng quản trị là đủ.

Hậu quả của sự vênh nhau giữa luật và nghị định này làm doanh nghiệp lãnh đủ. Đối với các công ty cổ phần có quy mô lớn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán (có thể là sàn quốc tế), số lượng cổ đông nắm giữ cổ phiếu lên đến hàng trăm ngàn, để lấy được ý kiến bằng văn bản thì chi phí và thời gian bỏ ra là rất lớn chứ chưa nói tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. Cứ thử nhẩm tính 20 công ty niêm yết lớn nhất Việt Nam mỗi lần thay người đại diện theo pháp luật phải làm như nghị định 88/2006/NĐ-CP quy định xem mức độ tốn kém đến mức nào (việc thay đổi người đại diện theo pháp luật diễn ra không phải hy hữu vì mức độ biến động của thị trường lao động).

Sự lãng phí không đáng có ấy chưa đáng nói bằng những ảnh hưởng từ việc không thay đổi tên người đại diện theo pháp luật trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: các hợp đồng, các quyết định nhân sự và những giao dịch không thể ký (nếu người đại diện cũ đã chấm dứt hợp đồng và không hợp tác).

Có công ty đã nằm vào trường hợp dở khóc dở cười khi chỉ theo luật, đến lúc nộp hồ sơ lên phòng đăng ký kinh doanh sở Kế hoạch – Đầu tư thì mới tá hoả. Họ chỉ biết nghị định (một thông lệ pháp lý rất phổ biến tại Việt Nam, thay vì một vấn đề có nhiều văn bản pháp quy mâu thuẫn nhau thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất); quay về lấy ý kiến cổ đông không được vì như thế là không đúng luật và điều lệ và cổ đông không trả lời.

Trường hợp này bạn phải làm như thế nào? khiếu nại lên Bộ Kế hoạch – Đầu tư? Nguy cơ vi phạm thời hiệu thông báo và các cơ hội kinh doanh đang đội nón ra đi.

>> Trích tài liệu để dẫn chứng cho bài viết 

Nguyen Duc Thuy (nducthuy@…) 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới