Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hụt hơi với giá thịt heo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hụt hơi với giá thịt heo

Minh Tâm

Giá thịt heo trên thị trường đang tăng cao ở mức kỷ lục. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Giá heo hơi những ngày qua trồi sụt lên xuống từng ngày. Nguyên nhân, theo các cơ quan chức năng, là do nguồn cung thiếu hụt, lại gặp lúc thương lái Trung Quốc mua nhiều hơn thường lệ nên đã đẩy giá lên. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành lại cho rằng đó là hệ quả tất yếu của những yếu kém trong khâu quản lý và sự thiếu vắng những doanh nghiệp lớn đủ sức điều tiết thị trường.

Mỗi ngày một giá

Thời điểm này, giá heo hơi tại TPHCM và các tỉnh lân cận được các doanh nghiệp mua dao động từ 60.000 – 64.000 đồng/ki lô gam; còn tại các tỉnh phía Bắc mức giá khoảng 67.000 – 69.000 đồng/ki lô gam. Giá heo hơi tăng nên người tiêu dùng phải chi 135.000-140.000 đồng cho một ki lô gam thịt ba rọi (loại rút sườn), 130.000-135.000 đồng cho một ki lô gam sườn non; hơn 100.000 đồng cho một ki lô gam thịt đùi… Đây là những mức giá cao chưa từng có (trừ những ngày cận Tết giá tăng đột biến) trong lịch sử.

Tuy nhiên, không phải đến giờ giá thịt heo mới tăng cao mà mức giá này đã được ghi nhận từ hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5. Sự trồi sụt của giá heo đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh thịt heo cũng như người tiêu dùng vào cuộc rượt đuổi hụt hơi. Bằng chứng là giá thịt heo theo chương trình bình ổn giá trên địa bàn TPHCM đã hai lần điều chỉnh tăng, lần đầu là vào 25-5 và lần hai vào 30-6 với tổng mức tăng từ 4.000-15.000 đồng/ki lô gam chỉ trong gần ba tháng. Vậy nhưng, các doanh nghiệp tham gia chương trình, như Vissan chẳng hạn, vẫn kêu lỗ vài ngàn đồng trên mỗi ký thịt bán ra.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh, cho biết thời gian qua nhiều lúc không có hàng để mua và giá hôm nay khác giá hôm qua, hoàn toàn trái ngược với hồi tháng 9, tháng 10 năm ngoái.

Chị Hạnh, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM, cho biết trong 10 năm đi buôn thịt heo, chưa bao giờ chị thấy tình trạng mỗi ngày một giá và giá cao như mấy tháng nay. Điều này khiến việc bán buôn của chị bị ảnh hưởng nặng nề, lượng hàng bán ra giảm gần một nửa so với trước.

Ngay lãnh đạo các cấp của ngành chăn nuôi cũng tỏ ra hụt hơi trong việc đánh giá tình hình giá thịt heo. Ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc Vissan, kể rằng ngay từ hồi đầu năm, trong cuộc họp với các ban ngành chức năng, ông đã dự báo tình hình giá thịt heo những tháng tới sẽ diễn biến phức tạp do nguồn cung thiếu hụt sau dịch bệnh. “Ý kiến của tôi hoàn toàn trái ngược với dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Ngành chức năng cho rằng không có gì đáng lo, giá cả sẽ ổn định và nguồn cung thì không thiếu. Thực tế đã chứng minh chúng tôi đúng”, ông An nói.

Ở cấp bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao, hồi tháng 5 đã khẳng định nguồn cung thịt heo trong nước không thiếu, người dân bắt đầu nuôi lại, sản lượng năm 2011 sẽ đạt 3,3 triệu tấn. Còn giá heo lên (thời điểm đó đang ở mức 60.000-62.000 đồng/ki lô gam heo hơi) là do thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào tăng.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 14-7 vừa qua, ông Giao đã thừa nhận tình trạng giá lên là do thiếu hụt nguồn cung, tổng đàn giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái do dịch bệnh, bên cạnh các nguyên nhân về giá con giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào và người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều.

Ông Giao nói: “Số liệu thống kê ngày 1-4 của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng heo nuôi cao hơn hẳn mọi năm. Chúng tôi tin tưởng vào những con số đó. Còn thời điểm này, ở nhiều địa phương, nguồn cung vẫn tốt, chỉ thiếu cục bộ tại một số tỉnh, đặc biệt là ở miền Bắc”.

Thiếu và yếu

Trở lại câu chuyện giá heo tăng đột biến, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, nguyên nhân thứ nhất là do thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, nguồn cung heo thịt thiếu hụt. Đây là hệ quả của dịch bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng trước đó. Thứ hai là do các thương lái kích giá. Những người này đi mua heo trong dân, đúng vào thời điểm người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng sau dịch (tỷ lệ ước tính từ 10-30%) không có để mua nên dựa cớ kích giá trên thị trường.

Vậy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn trong việc điều tiết thị trường như thế nào? Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, các công ty sản xuất, chăn nuôi heo của Nhà nước hoặc có cổ phần của nhà nước “không ăn thua gì” so với các công ty tư nhân, tập đoàn đa quốc gia. “Chúng ta làm gì có công ty nhà nước nào lớn. Tư nhân lớn hơn nhiều”, ông Giao khẳng định.

Ngay như Vissan, một đơn vị được coi là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thịt heo tươi sống nhưng lãnh đạo công ty cho biết cũng chỉ tự cung cấp được 15-20% heo thịt phục vụ giết mổ hàng ngày, số còn lại phải mua lại từ các trại heo khác. Lý lẽ mà Vissan đưa ra là muốn tập trung làm tốt khâu giết mổ, chế biến, để phần chăn nuôi cho đơn vị khác. Hơn nữa, việc đầu tư cho trại heo đạt chuẩn ngốn quá nhiều vốn và không thể muốn là làm được.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên TBKTSG gần đây, ông Phạm Văn Minh cũng cho biết, giống như mặt hàng gà công nghiệp, thị trường thịt heo bị các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi cho đến việc giết mổ. Theo ông Minh, các công ty giống nhà nước mỗi năm sản xuất được một lượng giống chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của các trang trại, hộ nuôi. Các tập đoàn đa quốc gia vì thế gần như một mình một chợ, muốn đẩy giá giống lên lúc nào cũng được.

Nói chuyện con giống, ông Trần Tấn An dẫn chứng, tại TPHCM con giống được cung cấp bởi xí nghiệp sản xuất heo giống của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, hay một vài đơn vị của sở nông nghiệp và phát triển nông thôn… nhưng số lượng không nhiều lắm. Giá heo giống lên, xuống đều theo cung cầu thị trường. “Khác với sản xuất công nghiệp, năng lực sản xuất heo giống không thể muốn là tăng. Đợt này nhu cầu tăng đột biến nên giá bị kích lên. Ai làm giá trên thị trường? Câu trả lời là tất cả mọi người tham gia thị trường”, ông An nói với TBKTSG. Ông Giao cũng thừa nhận, cơ quan quản lý ngành chăn nuôi có thể hỗ trợ người chăn nuôi về con giống bằng cách chỉ dẫn mua ở trang trại nào để được giống tốt, hoàn toàn không thể can thiệp vào giá cả bởi đấy là thị trường.

Trong khi đó, vai trò của cơ quan quản lý, từ khâu dự báo đến hoạch định chính sách lại đang có vấn đề. Ông An nêu ý kiến, muốn ngành chăn nuôi phát triển bền vững để giá không lên xuống bất thường, cơ quan quản lý cần phải có tầm nhìn dài hạn, ngay từ đầu chứ không phải đến khi gặp chuyện mới tổ chức họp khẩn, không giải quyết được vấn đề gì.

Từ góc độ người trực tiếp sản xuất, ông Nguyễn Hữu Chí, thành viên Hợp tác xã Tiên Phong, TPHCM, cho biết lãi suất ngân hàng quá cao, chi phí đầu tư lớn trong khi nguy cơ dịch bệnh treo lơ lửng là những lý do khiến người chăn nuôi không dám mạo hiểm tăng đàn. Ông Chí tính toán, nuôi 1.000 con heo, chi phí xây dựng ban đầu đã gần 5 tỉ đồng trong khi hiện nay may lắm mới vay được tiền từ ngân hàng nhưng lãi suất thấp nhất cũng 2%/tháng.

“Có ai chăn nuôi heo mà không phải vay ngân hàng đâu. Vậy mà lãi suất lên đến 2%/tháng. Một năm quay vòng được hai lứa heo, đó là hên không bị dịch bệnh. Bài toán kinh tế như vậy, thử hỏi ai dám đầu tư?”, ông Chí nêu vấn đề và nói thêm, với giá heo như hiện nay, người chăn nuôi đã có lời kha khá nhưng đó chỉ mới như “nắng hạn gặp mưa rào”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới