Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Huy động ngoại tệ tăng chậm lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Huy động ngoại tệ tăng chậm lại

Thủy Triều

Huy động đô la Mỹ của các ngân hàng đang có xu hướng giảm. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Các ngân hàng cho biết huy động ngoại tệ thời gian gần đây có khuynh hướng tăng chậm lại so với những tháng đầu năm trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn thích vay ngoại tệ hơn.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết gần đây huy động ngoại tệ, chủ yếu là đô la Mỹ, có xu hướng tăng chậm lại do người gửi tiền dự đoán tỷ giá có lẽ sẽ không tăng nữa nên không mua và gửi ngoại tệ mà chuyển sang gửi tiền đồng vì lãi suất cao hơn nhiều.

Giám đốc một chi nhánh của ngân hàng BIDV cũng cho biết do lãi suất huy động đô la Mỹ của chi nhánh ông hiện không cao lắm, trong khi tỷ giá ổn định thời gian dài nên không nhiều người thích đầu tư vào đô la nữa. Chỉ những ai có ngoại tệ dư thừa mới gửi vào ngân hàng, vị này nói.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay vẫn thích vay ngoại tệ hơn tiền đồng vì lãi suất thấp hơn, chỉ ở mức 7-8%/năm so với lãi suất tiền đồng là 14-15%/năm. Ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho biết mặc dù có những cảnh báo về rủi ro cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn muốn vay vì họ nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước đã cam kết sẽ tiếp tục giữ ổn định tỷ giá trong khi lãi suất vay tiền đồng và đô la Mỹ hiện đang chênh lệch khá nhiều, nếu tiền đồng có bị phá giá cũng sẽ khó bằng mức chênh lãi suất này.

Báo cáo tháng 4 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tốc độ tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ cũng đã chậm lại, chỉ tăng 0,78% so với tháng 3, trong khi tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn tăng 3%. Trước đó, tăng trưởng huy động ngoại tệ trong tháng 3 là 1,02% trong khi tín dụng tăng đến 3,98%. Nếu chỉ tính riêng quý 1 năm nay thì tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ trên cả nước chỉ là 0,21%, trong khi cho vay ngoại tệ tăng đến 14,07% so với cuối năm 2009.

Theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc nhiều doanh nghiệp chuyển sang vay ngoại tệ thời điểm này là tốt cho doanh nghiệp nhưng đến khi đáo hạn các khoản vay, nhu cầu mua lại ngoại tệ để trả cho ngân hàng sẽ tăng cao vì nhiều doanh nghiệp chủ yếu bán hàng thu tiền đồng. “Nếu không cân đối được sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tình hình kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.

Trong bài viết của mình trên báo điện tử Tổ quốc, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết thực tế từ đầu năm đến nay, huy động đô la Mỹ tại các ngân hàng giảm, thậm chí âm trong khi tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ vẫn tiếp tục tăng. Điều này có thể gây áp lực lên lãi suất ngoại tệ khiến mức khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ 1%/năm đối với tổ chức kinh tế của Ngân hàng Nhà nước khó giữ được.

“Về phía doanh nghiệp vay ngoại tệ nên tính đến khả năng bảo hiểm tỷ giá để phòng ngừa rủi ro. Các ngân hàng cũng không nên chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, cho vay ngoại tệ quá mức cần thiết”, ông Nghĩa nói.

Vì thế, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo tình hình huy động và cho vay bằng ngoại tệ, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả các biện pháp để kiểm soát hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới