Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Huy động vốn vay từ trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ dự kiến vay 347.900 tỉ đồng bù đắp bội chi ngân sách trung ương (NSTƯ) và 196.149 tỉ đồng để trả nợ gốc của NSTƯ năm 2022, theo Bộ Tài chính.

Báo cáo Quốc hội kế hoạch vay, trả nợ công dự kiến năm 2022, Bộ Tài chính cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay năm 2022 của Chính phủ ở mức 571.014 tỉ đồng, gồm: vay 347.900 tỉ đồng bù đắp bội chi ngân sách trung ương (NSTƯ); vay để trả nợ gốc của NSTƯ 196.149 tỉ đồng; vay 26.965 tỉ đồng để cho vay lại.

Về nguồn huy động, Chính phủ dự kiến huy động vay nước ngoài khoảng 68.088 tỉ đồng từ các thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết. Còn 502.926 tỉ đồng được huy động từ nguồn vay trong nước, chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) với kỳ hạn chủ yếu từ 5 năm trở lên.

Còn dự kiến rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2022 khoảng 68.088 tỉ đồng, trong đó sử dụng cho đầu tư công khoảng 40.000 tỉ đồng; vay cho hành chính sự nghiệp đối với các hiệp định ký từ năm 2017 về trước khoảng 1.123 tỉ đồng; cho vay lại khoảng 26.965 tỉ đồng.

Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Về nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết nghĩa vụ trả nợ trực tiếp khoảng 299.818 tỉ đồng, gồm: trả nợ gốc khoảng 196.149 tỉ đồng; trả nợ lãi khoảng 103.668 tỉ đồng. Con số này dự kiến bằng khoảng 21,2% so với thu ngân sách Nhà nước năm 2022 với cơ sở thu ngân sách cả năm đạt 1.411,7 nghìn tỉ đồng.

Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại của Chính phủ khoảng 36.370 tỉ đồng trong năm 2022, gồm: trả gốc khoảng 27.208 tỉ đồng; trả lãi khoảng 9.162 tỉ đồng.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương (CQĐP), Bộ Tài chính cho biết tổng mức vay trong năm khoảng 28.637 tỉ đồng gồm nguồn vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ và nguồn vay trong nước khác.

Tổng trả nợ trong năm khoảng 5.914 tỉ đồng, gồm: 3.637 tỉ đồng trả nợ gốc; 2.277 tỉ đồng trả lãi, phí.

Về nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả, mức vay nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng dự kiến vẫn ở mức cao, theo Bộ Tài chính. Cụ thể, mức rút vốn ròng trung dài hạn khoảng 7.500 triệu đô la Mỹ. Còn tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 25% so với cuối năm 2021.

Với các yếu tố trên, Bộ Tài chính dự báo nợ công khoảng 43-44%% GDP, nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP tính tới cuối năm 2022, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 21-22%. Những chỉ số này được tính toán dựa trên cơ sở tăng trưởng GDP năm 2022 đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kế hoạch này được Bộ Tài chính trình Quốc hội trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới và khu vực trong giai đoạn tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Theo đó, triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới phụ thuộc vào các động lực chính là vaccine, các gói hỗ trợ tài khoá, chiến lược hồi phục kinh tế và điều kiện tài chính toàn cầu.

Với Việt Nam, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và việc triển khai chiến lược vaccine có thể ảnh hưởng mạnh đến tiến trình phục hồi kinh tế.

Hiện một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng khoảng 4,8% trong 2021 và phục hồi tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-7% từ 2022 trở đi vào ngày 28-9.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2021 xuống còn 3,8% vào ngày 22-9. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 ở mức 3,8% vào ngày 12-10.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới