Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hủy, không hủy, rồi lại hủy… Phố Wall lên ruột!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hủy, không hủy, rồi lại hủy… Phố Wall lên ruột!

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã lại quyết định hủy niêm yết đối với ba hãng viễn thông lớn của Trung Quốc kể từ ngày 11-1. Điều này có ảnh hưởng thế nào đối với giới đầu tư Phố Wall?

Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ không thay đổi đáng kể mối quan hệ Mỹ – Trung, ít nhất là trong ngắn hạn. Hồi tuần trước, ông cho biết “sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trên các lĩnh vực thương mại, công nghệ, nhân quyền và các vấn đề khác”.

Vì sao NYSE hủy niêm yết các công ty Trung Quốc?

Việc một doanh nghiệp bị hủy niêm yết có nghĩa là cổ phiếu của doanh nghiệp đó bị xóa khỏi sàn giao dịch chứng khoán và nhà đầu tư không thể mua hoặc bán chúng ở đó nữa.

Việc hủy niêm yết có thể là tự nguyện hoặc bắt buộc. Ví dụ như vào năm 2019, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc là SMIC đã hủy niêm yết trên tại NYSE vì khối lượng giao dịch thấp và chi phí cao. Ngược lại, hồi năm ngoái, sàn chứng khoán Nasdaq đã buộc hãng cà phê Luckin của Trung Quốc phải hủy niêm yết sau một vụ bê bối lớn liên quan đến gian lận sổ sách kế toán.

Trong trường hợp này, việc NYSE hủy bỏ niêm yết đối với ba hãng viễn thông lớn của Trung Quốc là China Mobile Communications, China Telecommunications Corp và China Unicom, để thực hiện sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm công dân Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị cho là “đã cung cấp hoặc hỗ trợ quân đội Trung Quốc và mạng lưới an ninh của Trung Quốc”. Đây chỉ là một trong nhiều sắc lệnh hành pháp và biện pháp quản lý đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm kiểm soát quy mô các hoạt động kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Theo đó, các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ sẽ không được mua cổ phiếu tại bất cứ công ty nào trong số các công ty Trung Quốc đã được liệt kê trong sắc lệnh, trong đó bao gồm công ty chuyên cung cấp hệ thống giám sát video Hikvision và Công ty Xây dựng đường sắt Trung Quốc.

Lệnh cấm bắt đầu từ ngày 11-1 và các nhà đầu tư có thời hạn cho đến tháng 11 để hủy bỏ việc nắm giữ cổ phần. Danh sách đen hiện tại bao gồm 35 công ty, không phải tất cả đều được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, nhưng Bộ Tài chính Mỹ đã có kế hoạch mở rộng danh sách này sang cả các công ty con đã niêm yết. Ngoài NYSE, nhiều đơn vị cung cấp chỉ số chứng khoán khác, trong đó có MSCI, S&P Dow Jones Indices và Nasdaq cũng đã có các động thái loại bỏ nhiều công ty Trung Quốc có tên trong danh sách của Chính phủ Mỹ.

Giới đầu tư thiệt hại lớn vì những thay đổi chóng vánh

Trong khi tính hợp lý của việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, có một thực tế là sự thay đổi quyết định liên tục của ban lãnh đạo NYSE, từ hủy, không hủy rồi cuối cùng lại hủy niêm yết, đã gây thiệt hại lớn cho giới đầu tư Phố Wall.

Ông Anil Hingwe – cựu giám đốc điều hành của một công ty ô tô tại bang Michigan đã đầu tư vào China Mobile từ năm 2003 và coi đây là một lựa chọn an toàn. Thế nhưng, nhà đầu tư 75 tuổi này đã phải vội vàng bán hết các cổ phiếu của mình hôm thứ Hai tuần trước, sau khi NYSE lần đầu tiên đưa ra thông báo về việc hủy niêm yết, khiến cổ phiếu China Mobile giảm mạnh.

Trớ trêu thay, ngay sau đó, ông đã phải bất lực chứng kiến NYSE thay đổi quyết định chỉ sau vài giờ và giá cổ phiếu tăng vọt vào ngày hôm sau. “Tôi còn có thể làm gì? Có lẽ là không. Các ông lớn đã có thể xoay xở để tránh khoản lỗ trước khi thông tin được công bố. Chỉ có những nhà đầu tư nhỏ như tôi là chịu thiệt” – ông Hingwe chia sẻ một cách cay đắng.

Tuy nhiên, rắc rối cũng đến cả với các nhà đầu tư tổ chức. Trả lời phỏng vấn Reuters, chuyên gia Euan Rellie tại BDA Partners cho biết: “Các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ đã phải trả cái giá rất đắt. Ví dụ như Goldman Sachs, công ty sở hữu khoảng 20% cổ phiếu lưu hành quốc tế của các doanh nghiệp Trung Quốc này, đã phải thoái vốn cổ phần sau thông tin về việc NYSE sẽ hủy niêm yết. Sau khi NYSE thông báo sẽ không hủy niêm yết, Goldman Sachs đã tiến hành mua lại cổ phiếu nhưng rồi lại phải tìm cách bán chúng thêm một lần nữa. Điều này đã tạo ra một sự gián đoạn đáng kể về mặt chi phí và gây biến dạng thị trường”.

Theo Thời báo Phố Wall, các công ty môi giới đã khuyến cáo khách hàng của mình nhanh chóng bán đi các cổ phiếu viễn thông Trung Quốc bị hủy niêm yết. Anh Ariel – một cư dân thành phố New York đã bán đi 3.000 cổ phiếu China Mobile ngay vào hôm Thứ Hai tuần trước, sau khi nhận được tin nhắn từ TD Ameritrade, cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn nếu cổ phiếu không được bán trước thời điểm cuối ngày. Hệ quả là anh mất hàng ngàn đô la sau thương vụ giao dịch thảm họa này, và đành bất lực chứng kiến giá cổ phiếu tăng hơn 9% trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, sau khi NYSE thay đổi quan điểm.

Anh Ariel bày tỏ sự thất vọng với NYSE: “Đây giống như một cách tiếp cận thử nghiệm và đầy sai lầm ở một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, hoàn toàn không thể chấp nhận được tại một trong những sàn chứng khoán uy tín nhất thế giới”.

Về phần mình, phát ngôn viên của TD Ameritrade cho biết: “Đây là một tình huống rất phức tạp, và chúng tôi đang cố gắng nhất quán trong cách tiếp cận của mình, để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn”.

Giải pháp nào cho các cổ phiếu bị hủy niêm yết?

Theo Thời báo Phố Wall, việc bị hủy niêm yết sẽ không đồng nghĩa với việc chứng khoán của các doanh nghiệp Trung Quốc này không còn giá trị, bởi chúng vẫn thể hiện lợi ích kinh tế trong doanh nghiệp. Ví dụ như người nắm giữ các cổ phiếu này vẫn có thể nhận được cổ tức. Tuy nhiên, việc giao dịch và định giá sẽ trở nên khó khăn hơn, khi chỉ các thực thể không phải của Mỹ mới muốn mua lại các cổ phiếu này. Điều đó có thể khiến giá trị của chúng sụt giảm mạnh.

Bên cạnh việc chấp nhận bán lỗ ngay lập tức, giới đầu tư Mỹ vẫn còn một lựa chọn khác là chuyển đổi những cổ phiếu đang nắm giữ sang cổ phiếu phổ thông được niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, lệnh cấm của Chính phủ Mỹ cũng cấm các nhà đầu tư nước này mua chứng khoán của các công ty trong danh sách đen tại bất kỳ sàn giao dịch nào trên thế giới. Do đó, biện pháp này cũng chỉ được coi là giải pháp câu giờ, giúp các nhà đầu tư cầm cự đến tháng 11-2021, tức là chỉ còn mười tháng nữa để xoay xở.

Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo rằng, các tổ chức trung gian có thể giúp nhà đầu tư thoái vốn khỏi các cổ phiếu bị ảnh hưởng sau ngày Thứ Hai (11-1), tuy nhiên, trên thực tế, các nhà môi giới và công ty giao dịch tại Mỹ, chuyên xử lý nhiều giao dịch cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân đã hạn chế bất kỳ sự dính líu nào liên quan đến các cổ phiếu Trung Quốc bị cấm sau thời hạn nói trên, do lo ngại sẽ vi phạm quy định của Washington. Ông James Angel – giáo sư chuyên ngành tài chính tại Đại học Georgetown cho biết: “Không có lợi ích nào khi chấp nhận rủi ro để thực hiện các giao dịch như vậy. Sẽ dễ dàng hơn nếu chỉ nói lời từ chối với khách hàng và đổ hết trách nhiệm cho chính phủ”.

Liệu sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết?

Một trong những vấn đề được giới đầu tư Phố Wall quan tâm nhất hiện nay, chính là việc liệu còn có công ty Trung Quốc nào khác sẽ tiếp tục bị hủy niêm yết trong thời gian tới hay không? Điều này là hoàn toàn có khả năng, trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt, ngay cả khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền ngày 20-1 tới.

Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là sẽ không thay đổi đáng kể mối quan hệ Mỹ – Trung, ít nhất là trong ngắn hạn. Hồi tuần trước, ông cho biết “sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trên các lĩnh vực thương mại, công nghệ, nhân quyền và các vấn đề khác”.

Do đó, các nhà đầu tư Mỹ hiện đang nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có nhiều lý do để lo ngại. Ông Edward Moya – chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại nền tảng giao dịch Oanda nhận định: “Nếu ông Biden không thay đổi sắc lệnh của Tổng thống Trump, các nhà đầu tư tổ chức sẽ phải từ bỏ những cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc mà họ đang nắm giữ trước ngày 11-1. Các nhà đầu tư không nên ngạc nhiên vì điều này đã được dự báo từ hồi tháng 8 năm ngoái, bởi những người có chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh, giống như Tổng thống Trump”.

Tương tự như các công ty viễn thông, cổ phiếu các tập đoàn dầu mỏ lớn của Trung Quốc – bao gồm CNOOC, China Petroleum, Sinopec, PetroChina cũng đã sụt giảm mạnh trong tuần qua do lo ngại rằng các công ty này sẽ là đối tượng lớn nhất có nguy cơ bị hủy niêm yết. Theo chuyên gia phân tích Henik Fung của Bloomberg Intelligence, ngành năng lượng – vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với quân đội Trung Quốc, hoàn toàn có thể sẽ trở thành mục tiêu kế tiếp mà chính quyền Washington nhắm tới. 

Nguồn: WSJ, Aljazeera, New York Times, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới