Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hy vọng chúng ta sẽ trẻ mãi không già

Vỹ Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhân loại mong chờ ngày con người sẽ được trường sinh bất lão. Hiện nay, không ai nói được ngày đó có đến hay không và, nếu có, sẽ đến lúc nào. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới tại các phòng thí nghiệm ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, thắp thêm hy vọng cho nỗ lực tìm ra câu trả lời.

“Thế giới này không có gì là chắc chắn, trừ cái chết và thuế”. Đây là một danh ngôn của Benjamin Franklin (1706 – 1790), một trong những nhà lập quốc của nước Mỹ, cho đến nay vẫn bất hủ. Hay nói khác đi – mà không bao giờ sợ sai – rồi ai cũng sẽ chết! Có đúng vậy không? Hình như tiến bộ khoa học kỹ thuật đang tìm cách lật ngược một cách thuyết phục một phần lời khẳng định được cho là đúng muôn thuở đó.

 

Con người chết vì gặp phải một vấn đề thuộc về kỹ thuật

Trong chương đầu tiên của cuốn sách “Homo Deus – Lược sử tương lai”, tác giả Yuval Noah Harrari kể lại câu chuyện thời trung cổ thần chết mặc áo choàng đen, tay cầm lưỡi hái đến đưa con người về thế giới bên kia(1). Người sắp chết cố van nài xin tiếp tục sống. “Không! Ngươi phải đi ngay bây giờ!” Thần chết lạnh lùng bác bỏ lời khẩn cầu. “Và thế là chúng ta chết,” Harrari viết.

Tuy nhiên, tác giả cũng viết ngay sau đó rằng: “… thực tế thì con người không chết vì một nhân vật mặc áo choàng đen vỗ nhẹ lên vai mình…” Harrari cho rằng người ta chết đi “vì một trục trặc mang tính kỹ thuật nào đó. Tim ngừng bơm máu. Động mạch chính bị mỡ bám làm tắc nghẽn. Các tế bào ung thư lan tỏa trong gan. Vi trùng sinh sôi trong phổi.”

Tác giả quyển sách viết tiếp rằng “mọi vấn đề kỹ thuật đều có giải pháp kỹ thuật”. Theo tác giả, trong quá khứ, cái chết đã từng thuộc về phạm trù chuyên môn của các linh mục và các nhà thần học; nhưng hiện nay, các kỹ thuật gia đang [phần nào] tiếp quản vấn đề này. Bằng cách nào? Ví dụ: con người có thể dùng hóa chất diệt tế bào ung thư hay dùng kháng sinh diệt vi khuẩn; nếu tim ngừng đập, bác sĩ có thể dùng sốc điện để kích hoạt lại quả tim, hay có thể thay luôn trái tim bệnh hoạn bằng một quả tim khác – chuyện nay không còn quá hiếm trên thế giới.

Liệu con người có giải quyết được vấn đề kỹ thuật gây ra cái chết hay không?

Phần lớn chúng ta – kể cả các nhà khoa học hàng đầu thế giới – đều vẫn tin rằng đảo ngược cái chết là một vấn đề quá sức đối với nhân loại hiện nay. Tuy nhiên, không phải là không có nhà nghiên cứu khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của khoa học hiện đại là “đánh bại cái chết và ban cho con người tuổi trẻ vĩnh hằng”(2).

Quyển sách của Harrari kể về một số dự án đầu tư liên quan đến trường sinh bất lão. Năm 2009, Bill Maris được đề bạt quản lý Quỹ Google Ventures. Năm 2012, Ray Kurweit, một nhà khoa học, được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc kỹ thuật tại Google. Một năm sau, Calico (California Life Company), một công ty con của Google (hiện giờ là Alphabet), được thành lập với nhiệm vụ “giải quyết cái chết”. Google Ventures dùng một phần số vốn đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ [thời điểm quyển sách được viết] cho các dự án khởi nghiệp liên quan đến khoa học sự sống. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Maris tuyên bố: “Nếu hôm nay bạn hỏi tôi, liệu ta có thể sống được đến 500 tuổi không, thì câu trả lời [của tôi] là có”(3).

Các nhà quản lý Calico cho rằng bất kỳ người nào có một cơ thể khỏe mạnh và sở hữu một tài khoản ngân hàng khổng lồ vào năm 2050, nghĩa là không đầy 30 năm nữa, đều có thể kỳ vọng vào sự “bất tử” của họ. Khi đó, cứ mỗi 10 năm, những người như thế sẽ bước vào phòng khám để nhận một liệu trình trẻ hóa chữa được các bệnh, tái sinh các mô lão hóa, đồng thời nâng cấp tay, mắt và não bộ(4).

Hy vọng mới nhất trên con đường đánh bại cái chết

Những người đa nghi có thể sẽ nghĩ rằng dự án bất tử bên trên về bản chất là một điều hoang đường được đẻ ra để dẫn dụ người giàu có đổ tiền của vào cổ phiếu công ty hay trái phiếu doanh nghiệp đón đầu thời điểm khi các dự án như địa ốc hay xe hơi điện không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới nhất về quá trình lão hóa có thể được xem là đang đứng về phía các công ty như Calico.

Gần đây nhất – chỉ mới mấy ngày qua – CNN đăng bài trích dẫn nghiên cứu được thực hiện bởi nhiều phòng thí nghiệm thuộc thành phố Boston cho biết các nhà khoa học đã giúp lũ chuột già bị mù lấy lại thị lực ngày xưa, trở nên thông minh hơn với não bộ tốt hơn, cơ và thận khỏe mạnh hơn. Ngược lại, các con chuột trẻ cũng có thể bị lão hóa bằng cách tàn phá các mô trong cơ thể của chúng(5).  

Theo bài báo trên, Giáo sư David Sinclair – chuyên gia chống lão hóa và là giáo sư di truyền học thuộc Viện Blavatnik ở Trường y khoa Harvard và đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lão hóa trong sinh học Paul F. Glenn – cho rằng đã có thí nghiệm chứng minh lão hóa là một quá trình có thể đảo ngược theo ý muốn, nghĩa là có thể tăng tốc về phía trước hay ngược lại. 

Bản tổng hợp các thí nghiệm nói trên đăng lần đầu tiên trên tạp chí Cell hôm thứ Năm, ngày 12-1-2023, là một thách thức đối với giới khoa học gia vốn tin rằng lão hóa là kết quả của các đột biến gen khiến ADN bị suy yếu. Theo họ, điều này khiến vô số mô tế bào bị hủy hoại, dẫn đến suy giảm sức khỏe, bệnh tật, và thậm chí tử vong.

Giáo sư Sinclair lại nhấn mạnh: “Không phải tế bào chết hay các tổn thương tế báo khiến chúng ta bị lão hóa. Chúng tôi tin rằng chính sự mất mát thông tin [mới là thủ phạm] – tế bào mất khả năng đọc ADN gốc nên chúng quên cách hoạt động. Tình trạng này cũng tương tự như máy vi tính cũ bị hỏng phần mềm. Tôi gọi đó là lý thuyết thông tin về lão hóa”. 

Jae-Hyun Yang, một nhà di truyền học làm việc tại Phòng thí nghiệm Sinclair và là đồng tác giả bài viết trên, nói ông hy vọng công trình nghiên cứu sẽ thay đổi cách nhìn về quá trình lão hóa và cách tiếp cận phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa(6).  

Trong khi ADN có thể được xem là “phần cứng” của cơ thể con người, hệ gen biểu sinh (epigenome) đóng vai trò phần mềm. Hệ gen biểu sinh là các protein và hóa chất giống như các đốm gắn vào mỗi gen và chờ đợi đúng thời điểm để yêu cầu gen cần làm gì, theo Viện Nghiên cứu hệ gen người quốc gia (Mỹ). 

Nói nôm na, hệ gen biểu sinh có thể ở trạng thái mở hay tắt. Tình trạng ô nhiễm, chất độc trong môi trường, hành vi hút thuốc, việc tuân thủ chế độ ăn chống viêm hoặc thiếu ngủ có thể tác động lên quy trình đó. Theo Sinclair, tương tư như một chiếc máy vi tính hỏng phần mềm, quá trình phát triển tế bào bị gián đoạn khi ADN bị phá vỡ hay hỏng hóc. 

Giáo sư Sinclair giải thích như sau, “Trạng thái hổn loạn của tế bào và các protein kiểm soát gen lúc bình thường bị phân tán vì phải bận rộn chỉnh sửa ADN. Hậu quả là gen không thể tìm được đường về nơi bắt đầu. Vì thế, lâu dần, hiện tượng này giống như một trận đấu bóng bàn khi quả bóng có thể đến bất kỳ vị trí nào trên mặt bàn”. Nói cách khác, các phần của tế bào bị lạc mất lối về tương tự như bệnh nhân mắc chứng Alzheimer không còn trí nhớ. 

Điều đáng ngạc nhiên chính là, theo Sinclair, cơ thể có một bản sao dự phòng có thể được tái khởi động để điều chỉnh. Ông nói nhóm của mình đang tìm hiểu vì sao phần mềm bị gián đoạn và cách tái kích hoạt hệ thống bằng việc sử dụng nút tái khởi động nhằm phục hồi khả năng của cơ thể đọc hệ gen một cách chính xác như thời tế bào cơ thể còn trẻ.  

Theo vị giáo sư này, dù một người 50 tuổi hay 75 tuổi, hay khỏe mạnh hoặc đau bệnh đều không phải là vấn đề. Một khi quá trình này đã được kích hoạt, cơ thể sẽ nhớ cách tái tạo và trở lại thời kỳ xuân sắc, ngay cả khi một người lớn tuổi có bệnh. Tuy nhiên, ông cho biết hiện nay, phần mềm tái khởi động đó vẫn còn là một bí mật. Tại thời điểm này, chúng ta chỉ mới biết “công tắc” đó có thể đóng hay mở, ông nói. 

Ngược dòng thời gian, Sinclair bắt đầu cuộc truy tìm chiếc “công tắc” trên ngay từ thời đang là sinh viên cao học. Khi đó, ông là thành viên của một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát hiện ra sự tồn tại của gen giúp kiểm soát tác dụng của men khi thời gian trôi qua (sự “lão hóa” của men). Gen này tồn tại trong tất cả sinh vật. Vì thế, phải có cách làm tương tự trên con người, Sinclair phán đoán. 

Để kiểm tra giả thuyết của mình, Sinclair thử đẩy nhanh tốc độ lão hóa trên các con chuột thí nghiệm mà không cần gây đột biến hay ung thư. 

Ông cho biết mình thực hiện thử nghiệm trên chuột khi ông 39 tuổi, và giờ đây đã 53 tuổi vẫn tiếp tục nghiên cứu chuột. Nếu lý thuyết thông tin về lão hóa bị sai lệch, lẽ ra ông đã có một đám chuột chết, hoặc chuột bình thường, chuột già hay chuột ung thư. “[Nhưng thay vào đó] chúng ta lại có quá trình lão hóa”, ông nói. 

Nhờ sự trợ giúp của các nhà khoa học khác, Sinclair và nhóm nghiên cứu tại Harvard đã gây lão hóa ở não, mắt, da và thận của chuột. 

Để thực hiện được việc này, nhóm nghiên cứu triển khai phương pháp thay đổi cảm ứng hệ gen biểu sinh (ICE – inducible changes to the epigenome). Thay vì sửa đổi phần mã hóa của ADN trên chuột có thể gây đột biến, phương pháp ICE chỉnh sửa cách ADN gấp lại. Vết cắt tạm thời và lành nhanh chóng do phương pháp ICE tạo ra mô phỏng tổn thương do hóa chất, ánh sáng mặt trời và các thành phần tương tự gây lão hóa hằng ngày. 

Kết quả là chuột qua thử nghiệm phương pháp ICE đã già gấp đôi so với tuổi của chúng. 

Và đã đến lúc đảo ngược quy trình này. Nhà di truyền học Yuancheng Lu kết hợp ba trong bốn yếu tố gọi là “Yamanaka factor” tạo ra tế bào da người trưởng thành đã được tái lập trình để chúng hoạt động tương tự tế bào phôi hay tế bào mầm đa năng (pluripotent stem cell) có khả năng phát triển thành bất cứ dạng tế bào nào trong cơ thể(7)

Một hỗn hợp được tiêm vào tế bào hạch võng mạc bị tổn thương ở phía sau mắt của chuột mù và sau đó được kích hoạt trạng thái hoạt động bằng thuốc kháng sinh. 

Theo Giáo sư Sinclair, kháng sinh đó chỉ là công cụ và có thể là bất kỳ loại hóa chất nào, chỉ nhằm chắc chắn ba gen [thuộc “Yamanaka factor”] đã được kích hoạt. Ông cho biết bình thường các gen chỉ hoạt động trong giai đoạn đầu của phôi rồi ngưng khi chúng ta già đi.   

Kỳ diệu thay, thị giác bọn chuột bị làm lão hóa phục hồi gần như hoàn toàn. Kế đến, nhóm nghiên cứu lần lượt xử lý tế bào não, tế bào cơ và tế bào thận. Tất cả đều được phục hồi trở về tình trạng trẻ hóa rất đáng kể, tài liệu nghiên cứu cho biết.

Sinclair kể thêm một bước đột phá của công trình là việc nhận ra rằng khi sử dụng bộ ba tế bào gốc đa năng, tuổi của chuột không trở về số không vì nếu như vậy sẽ gây ung thư hay bệnh tình tệ hơn. May thay, tế bào chỉ phục hổi khoảng 50% đến 75% tuổi ban đầu và dừng lại ở đó, không đi xa hơn. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu vì sao tế bào làm được điều này. 

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Sinclair đang tìm cách đưa “công tắc di truyền” đồng đều đến từng tế bào nhằm giúp toàn bộ cơ thể chuột có thể trẻ hòa cùng lúc. 

Đây là một rào cản kỹ thuật, Sinclair cho biết. Nhưng ông nói thêm rằng hai công trình chưa công bố có vẻ như đã vượt qua được rào cản này.  

“Trong số đó, một công trình sử dụng hệ thống giống như chúng tôi đã dùng để xử lý chuột già, tương đương với người 80 tuổi”, Sinclair giải thích. “Kết quả đáng chú ý là chuột sống lâu hơn. Xem ra, họ đã tiến xa hơn chúng tôi trong thí nghiệm này”, ông cho biết. 

Tuy nhiên, việc trẻ hóa không những ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng mà còn giúp trẻ hóa toàn bộ cơ thể chuột vì lũ chuột sống lâu hơn, Giáo sư Sinclair nói thêm. Ông cũng cho biết đây cũng chính là món quà tặng nhằm xác nhận kết quả công trình nghiên cứu của ông. 

Tuy vậy, cũng giống như các yếu tố gây hại có thể phá hoại bộ gen biểu sinh, các hành vi lành mạnh cũng có khả năng chữa lành bộ gen này. 

Đây chắc là điều đúng vì người có lối sống lành mạnh sẽ có ít dấu hiệu sinh học của tuổi già hơn người làm điều ngược lại. 

Lời khuyên đắt giá nhất của Sinclair cho chúng ta? Ông cho rằng cần chú trọng đến thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ăn ít lần hơn, ngủ đủ giấc, thả lỏng hơi thở cứ mỗi 10 phút một lần và tập thể dục tuần ba lần để duy trì khối lượng cơ. Cũng đừng quá chú trọng đến những điều nhỏ nhặt và phải dành thời gian với một nhóm bạn tốt.  

“Thông điệp [của tôi] là từng ngày đều có ý nghĩa”, vị giáo sư này khuyên. “Sống như thế nào ngay từ tuổi thiếu niên và thanh niên đều rất quan trọng cho nhiều thập kỷ về sau vì mỗi ngày trong đời sống đều trôi qua nhanh”.

Nếu những người như Maris, Kurweit, Sinclair và Yang cuối cùng thành công, ngay cả cái chết cũng trở thành “vô thường” (không còn là điều chắc chắn đối với mỗi người). Vậy thì trong hai điều vĩnh hằng mà Benjamin Franklin khẳng định nhân loại ai cũng phải chịu, có thể chỉ còn lại một điều duy nhất. Đó là thuế!

Úi chà! Vậy thì có ai bắt đầu nghiên cứu về quá trình “lão hóa” của thuế tương tự như Giáo sư Sinclair đã làm với lão hóa trên động vật hay không? Phải chăng chúng ta cũng có quyền mơ đến một ngày thuế cũng trở thành “vô thường” như cái chết?

Xin nói đùa với độc giả để kết thúc bài viết này.

———–

(1), (2), (3), (4)Homo Deus – Lược sử tương lai, Yuval Noah Harrari, Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới, 2018

(5), (6), (7)https://edition.cnn.com/2023/01/12/health/reversing-aging-scn-wellness

1 BÌNH LUẬN

  1. Có người trẻ mà như đã già. Cũng có người mặc dù già nhưng vẫn mãi trẻ. Tuy nhiên, đừng hi vọng hão huyền. Thành trụ hoại không. Sẽ không có chuyện trẻ mãi không già, cả về lý thuyết khoa học và thực tiễn. Nhưng con người ta vẫn đủ căn cứ để cứ hi vọng rằng, tuy già nhưng sức khỏe, tinh thần và tâm hồn vẫn cứ mãi trẻ trung. Điều này là khả thi. Tất cả tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của chính bạn mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới