Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hy vọng mới trong quan hệ Mỹ-Cuba

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hy vọng mới trong quan hệ Mỹ-Cuba

Thái Bình

Chủ tịch Cuba Raul Castro (trái) nói ông sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Mỹ B. Obama về mọi vấn đề. Ảnh AP

(TBKTSG Online) – Hai nhà lãnh đạo mới của Mỹ và Cuba – Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro – hôm nay đã tỏ ý muốn mở cánh cửa đối thoại nhằm tiến tới nối lại quan hệ giữa hai quốc gia ngăn cách bởi một vùng biển rộng 160 km và 50 năm đoạn tuyệt.  

Sau khi dỡ bỏ những hạn chế người Mỹ đi du lịch Cuba và việc gửi tiền về Cuba trong tuần trước, mà ông coi là một “biểu hiện của thiện chí”, hôm nay thứ Năm 17-4, Tổng thống Obama tuyên bố rằng ông mong đợi Cuba có những bước đi để đáp lại.

Chỉ vài giờ sau đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro trả lời rằng: “Chúng tôi đã gửi lời tới chính phủ Mỹ, công khai cũng như trong chốn riêng tư, rằng chúng tôi sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề, từ nhân quyền, tự do báo chí, tù nhân chính trị v.v… tất cả mọi chuyện”.  

Phát biểu của Chủ tịch Raul Castro – được phát đi từ hội nghị các nhà lãnh đạo cánh tả ở thành phố Cumana, Venezuela – được coi là dũng cảm nhất và nhân nhượng nhất mà ban lãnh đạo Cuba gửi tới chính phủ Mỹ kể từ khi quan hệ giữa hai nước bị sụp đổ dưới thời Tổng thống Dwight D. Eisenhower năm 1961. Giới quan sát coi đây là cơ hội tốt nhất trong nửa thế kỷ qua để hai nước nối lại đối thoại.  

Chúng tôi đã gửi lời tới chính phủ Mỹ, công khai cũng như trong chốn riêng tư, rằng chúng tôi sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề, từ nhân quyền, tự do báo chí, tù nhân chính trị v.v… tất cả mọi chuyện”. 

Chủ tịch Cuba Raul Castro

Tuy trước đây Chủ tịch Castro đã từng nói rằng ông muốn thảo luận mọi vấn đề với ông Obama, nhưng theo hãng tin AP các quan chức Cuba tỏ ra bất bình khi phía Mỹ muốn thảo luận về nhân quyền hoặc tù nhân chính trị vì cho rằng đó không phải là vấn đề mà người Mỹ quan tâm.  

Chính vì thế, lần này hãng tin AP nhận định, việc thảo luận mọi vấn đề không đủ để bảo đảm rằng Cuba sẵn sàng đưa ra phản ứng “có đi có lại” mà người Mỹ muốn thấy trước khi quyết định thay đổi chính sách đối với Cuba. Bản thân ông Obama cũng thừa nhận rằng băng giá trong quan hệ giữa hai nước “không thể tan sau một đêm”.

Quan hệ Mỹ-Cuba đã ấm lại một thời gian ngắn dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, đã từng có những chuyến bay thẳng từ Miami, bang Florida đến thủ đô La Havana và các cơ quan đại diện được mở tại thủ đô mỗi nước, nhưng sau đó xảy ra cuộc khủng hoảng di dân khi 125.000 người Cuba vượt biên sang Mỹ. Thời Tổng thống Bill Clinton, hai nước tái lập quan hệ một thời gian trước khi xảy ra biến cố máy bay chở bốn người Cuba lưu vong bị không quân Cuba bắn hạ trên vùng biển của đảo quốc.  

Tuy chấp nhận đối thoại với Washington về mọi vấn đề, song Chủ tịch Raul Castro cũng đặt điều kiện là Mỹ phải đối xử với Cuba như một đối tác đối thoại bình đẳng, tôn trọng “quyền tự quyết của nhân dân Cuba”.  

Về phía Mỹ, ông Obama nói rằng Mỹ sẽ không đơn phương chấm dứt chính sách cấm vận thương mại Cuba kéo dài hơn 50 năm nay, cho dù chính sách đó được coi là một thất bại lớn đã làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Mỹ với các nước Mỹ Latin và vùng Caribbean.  

Phát biểu của ông Obama được đưa ra tại thủ đô Mexico City trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mexico Felipe Calderon, người đã nói thẳng rằng chính sách cấm vận Cuba của Mỹ là một “thất bại chiến lược”. “Chúng tôi không tin rằng cấm vận hoặc cô lập Cuba là biện pháp tốt để thay đổi tình thế”, ông Calderon nói trong cuộc họp báo chung với ông Obama.  

Vậy thì chính phủ Mỹ muốn gì? Tổng thống Obama nói Cuba cần đáp lại thiện chí mở đầu của ông bằng những hành động “dựa trên sự tôn trọng nhân quyền”. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, đang ở thăm Haiti, thì nói rõ hơn: “Chúng tôi muốn thấy Cuba thả tù nhân chính trị, mở cửa xã hội cho báo chí và dư luận bên ngoài, xây dựng một xã hội mà tất cả chúng ta đều biết là sẽ giúp cải thiện cơ hội cho người dân và đất nước Cuba”.

Tuy cả hai vị lãnh đạo Mỹ-Cuba đều thừa nhận rằng vẫn còn nhiều vấn đề sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước, nhưng thái độ và thiện chí mang tính lịch sử của họ cho thấy một niềm hy vọng sẽ có sự tan băng trong một ngày không xa.  

(theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới