Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ICIJ công bố dữ liệu hơn 200.000 công ty trong Hồ sơ Panama

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ICIJ công bố dữ liệu hơn 200.000 công ty trong Hồ sơ Panama

Phúc Minh

ICIJ công bố dữ liệu hơn 200.000 công ty trong Hồ sơ Panama
Biển hiệu công ty luật Mossack Fonseca tại Panama. Ảnh: THX

(TBKTSG Online) – Lúc 18 giờ ngày 9-5 giờ GMT, tức 1 giờ sáng nay giờ Việt Nam, Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đăng tải dữ liệu chi tiết về hơn 200.000 công ty nước ngoài bí mật trong Hồ sơ Panama dưới dạng dữ liệu có thể tìm kiếm được (như Google) tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org.

Dữ liệu được công bố tiết lộ mối liên hệ giữa 368.000 cá nhân và tổ chức đứng sau các công ty vỏ bọc. Công cụ tìm kiếm sẽ cho phép người truy cập gõ tên một cá nhân hay công ty, từ đó có thể xem mối liên hệ giữa các cá nhân và công ty.

"Bạn sẽ thấy các công ty và chủ nhân chính thức của chúng. Đây là những thông tin chưa bao giờ công bố. Chúng tôi cho rằng thông tin về người sở hữu các công ty này nên được minh bạch" – Phó Giám đốc ICIJ Marina Walker Guevara cho biết.

Tuy nhiên, bà Guevara cho biết phần lớn tài liệu trong Hồ sơ Panama sẽ được giữ bí mật, để các phóng viên tiếp tục tìm hiểu. "Chúng tôi cho rằng số tài liệu này được gửi đến ICIJ là vì chúng tôi có thể duy trì sự cẩn trọng, chính xác của báo chí" – bà Guevara nói.

Theo ICIJ, các dữ liệu trên chỉ là một phần trong số các tài liệu bị rò rỉ của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama (còn gọi là Hồ sơ Panama). Các dữ liệu này không tiết lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ email của các cá nhân hoặc tổ chức.

Thông tin về Hồ sơ Panama được công bố vào đầu tháng 4-2016, với sự tham gia của các phóng viên tại 76 nước. Hồ sơ Panama giúp hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới, nghi giúp người giàu né thuế hoặc rửa tiền, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo chính trị và tội phạm.

Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên họ xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế. Nhiều người giàu tại Úc, Pháp, Ấn Độ, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và các nước khác cũng bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế.

Nhưng đến nay, công ty Mossack Fonseca vẫn cho rằng công ty này không làm gì trái pháp luật và trong một số trường hợp, những cái tên được đề cập không phải khách hàng của họ.

Tìm kiếm trên trang web của ICIJ với từ khóa "Vietnam" cho ra kết quả có 49 pháp nhân nước ngoài (offshore entities – hay công ty bình phong, công ty vỏ bọc), 17 viên chức (officers), 1 công ty trung gian (intermediaries) và 169 địa chỉ (addresses). Tiếp tục bấm chuột vào các kết quả này, người đọc có thể tìm thấy thông tin chi tiết và mối liên hệ giữa các công ty vỏ bọc với các doanh nghiệp trong nước.

* Ngày 9-5, Oxfarm cho biết hơn 300 nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã gửi thư đến lãnh đạo quốc gia toàn cầu với lời cảnh báo và thúc giục chấm dứt các "thiên đường thuế" cũng như hoạt động tài chính bí mật ở nước ngoài. (xem thêm: Các nhà kinh tế: "Phải xóa sổ thiên đường thuế")

Thông điệp trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về tham nhũng, sẽ được chính phủ Anh tổ chức tại London vào ngày 12-5, với sự tham gia của các chính trị gia từ hơn 40 nước cũng như đại diện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Công dân các nước đang phát triển giấu lượng tài sản khổng lồ

Trước thềm hội nghị chống tham nhũng toàn cầu tại London ngày 12-5, Tax Justice Network (TJN, Anh) – gồm các nhà nghiên cứu và những người phản đối nạn trốn thuế và thiên đường thuế – công bố nghiên cứu mới nhất cho biết dòng vốn chảy khỏi các nước đang phát triển, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, tăng mạnh.

Ước tính đến cuối năm 2014, tổng cộng hơn 12.000 tỉ đô la Mỹ đã chảy khỏi các nền kinh tế đang phát triển, trong đó Nga có 1.300 tỉ đô la Mỹ, Trung Quốc (với 1.200 tỉ đô la Mỹ) và các nền kinh tế mới nổi khác sang các tài khoản bí mật ở nước ngoài. Malaysia, Thái Lan, Indonesia – những nước có các vụ bê bối tham nhũng lớn trong những năm gần đây – cũng nằm trong số những nước có lượng vốn chảy ra ngoài nhiều nhất. Ngoài ra, các nước sản xuất dầu mỏ lớn như Nigeria và Angola, cùng với Brazil, Argentina cũng là những nước có lượng tiền gửi tại các "thiên đường thuế" khá lớn. Các chủ sở hữu số tiền này sẵn sàng chấp nhận khoản tiền lãi nhỏ miễn là họ có thể đảm bảo độ an toàn và bí mật cho tài sản.

Giáo sư Đại học Columbia James S Henry – tác giả của nghiên cứu trên – nói trốn thuế không phải động cơ duy nhất để các tổ chức hay cá nhân gửi tiền tại các "thiên đường thuế" mà tội phạm hay các tham quan cũng thường sử dụng các "thiên đường thuế" để rửa tiền hoặc cất giấu của cải một cách bí mật và an toàn.

Nghiên cứu của TJN cho hay chỉ cần áp 1% thuế vào khối tài sản được cất giữ tại hải ngoại cũng sẽ mang lại trên 120 tỉ đô la Mỹ/năm – xấp xỉ con số 131 tỉ đô la Mỹ ngân sách viện trợ nước ngoài trên toàn cầu.

Tính trung bình, lượng vốn các nước đang phát triển chuyển ra nước ngoài tăng khoảng 8%/năm kể từ năm 2010, một phần do các mối quan ngại liên quan đến sự bất ổn định về kinh tế và chính trị.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới