Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ILO: sẽ hỗ trợ VN thực hiện cam kết về lao động quy định trong TPP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ILO: sẽ hỗ trợ VN thực hiện cam kết về lao động quy định trong TPP

Thùy Dung

ILO: sẽ hỗ trợ VN thực hiện cam kết về lao động quy định trong TPP
ILO sẵn sàng hỗ trợ các tổ chức đại diện cho người lao động và chủ sử dụng lao động để có thể thực thi được quy định trong TPP – Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Một hệ thống quan hệ lao động dựa trên quyền tự do liên kết và việc công nhận quyền thương lượng tập thể là một đặc điểm chung của các nền kinh tế thị trường hiện đại, giúp tạo ra sự cân bằng quyền lực hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam, đưa ra nhận xét trên trong một thông cáo báo chí được ILO Việt Nam phát ra hôm nay, 20-11.

Do quyền tự do liên kết của người lao động là một điều khoản trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán, ông Chang-Hee Lee cam kết ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam để có thể đáp ứng được những cam kết về lao động quy định trong Hiệp định TPP.

Việt Nam và các đối tác gần đây đã kết thúc đàm phán Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam. Các thỏa thuận này tham chiếu đến Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động (1998), ràng buộc các nước thành viên ILO trong việc tôn trọng và tuân thủ tám công ước cơ bản của ILO, trong đó có nhấn mạnh đến quyền tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Theo ông Chang-Hee Lee, các cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tiêu chuẩn của ILO về Tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể cho thấy Việt Nam sẵn sàng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc phổ quát được duy trì bởi các quốc gia thành viên của ILO. Đồng thời, ILO cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho Chính phủ Việt Nam và các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động trong việc hoàn thiện pháp luật, các thiết chế và thực hành của Việt Nam để tuân thủ chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn có liên quan của ILO.

“Điều này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng, bình đẳng và hài hòa tại Việt Nam,” ông Chang-Hee Lee khẳng định.

Theo chương lao động của Hiệp định TPP và FTA EU-Việt Nam, để thụ hưởng đầy đủ các lợi ích trong các hiệp định thương mại tự do này, Việt Nam có nghĩa vụ cải cách hệ thống pháp luật, các thiết chế và thực hành của mình, để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lĩnh vực lao động. Điều đó có nghĩa, hệ thống quan hệ lao động của Việt Nam sẽ cần phát triển trong những năm tới để cho phép người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức hoặc gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn.

“Một hệ thống quan hệ lao động dựa trên quyền tự do liên kết và việc công nhận quyền thương lượng tập thể là một đặc điểm chung của các nền kinh tế thị trường hiện đại,” người đứng đầu ILO Việt Nam cho biết. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy điều đó đóng góp cho sự tăng trưởng công bằng hơn và quan hệ lao động hài hòa vì nó giúp tạo ra sự cân bằng quyền lực hơn giữa người lao động và người sử dụng lao động và cho người lao động có tiếng nói trong việc xác lập tiền lương và các điều kiện làm việc thông qua đối thoại.”

Trước đó, trong nội dung trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng ngày 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, theo Hiệp định TPP, người lao động có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao, độc lập với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong Hiệp định TPP, theo Thủ tướng, các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, vùng, theo đúng trình tự đăng ký pháp luật và công khai, minh bạch. Mặt khác, tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của tổ chức người lao động ở cấp cao cũng phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của Việt Nam và không trái với các quy định của ILO.

Tuy nhiên, sau khi Hiệp định TPP được phê duyệt, Việt Nam sẽ phải sửa đổi bổ sung các văn bản để thực thi nội dung về lao động trong Hiệp định TPP. Việc thực thi những nội dung mới không ảnh hưởng, cũng không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Việt Nam trở thành thành viên của ILO từ năm 1992 và đã phê chuẩn 21 công ước của ILO bao gồm năm trong số tám công ước cơ bản.

Các công ước cơ bản của ILO và việc phê chuẩn của Việt Nam

Quyền tự do liên kết và việc công nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể

– Công ước về quyền tự do liên kết và Bảo vệ quyền được tổ chức, 1948 (Số 87) (chưa phê chuẩn)

– Công ước về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, 1949 (Số 98) (chưa phê chuẩn)

Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc

– Công ước về lao động cưỡng bức, 1930 (Số 29) (phê chuẩn năm 2007)

– Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957 (Số 105) (chưa phê chuẩn)

Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em

– Công ước về tuổi tối thiểu được đi làm việc, 1973 (Số 138) (phê chuẩn năm 2003)

– Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (Số 182) (phê chuẩn năm 2000)

Xóa bỏ phân biệt trong việc làm và nghề nghiệp

– Công ước về trả công bình đẳng, 1951 (Số 100) (phê chuẩn năm 1997)

– Công ước về phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp), 1958 (Số 111) (phê chuẩn năm 1997)

Đọc thêm:

Thủ tướng: có thể lập công đoàn riêng tại doanh nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới