Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

IMF cảnh báo Trung Quốc đối mặt tăng trưởng trì trệ nếu không tăng tốc cải cách

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 nhưng cảnh báo nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ đối mặt bất ổn lớn trong trung hạn nếu không tăng tốc cải cách các vấn đề mang tính cấu trúc. Những thách thức của Trung Quốc bao gồm cuộc khủng hoảng bất động sản, dân số giảm và tăng trưởng năng suất chậm lại.

IMF cho biết một trong những lực cản tăng trưởng đối với Trung Quốc trong dài hạn là dân số suy giảm. Ảnh: Getty/Reuters

Trong báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế Trung Quốc công bố hôm 3-2, IMF cho rằng đà phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc đối mặt với tình trạng không chắc chắn cao trong trung hạn. Trước đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn so với mức dự báo 4,4% trước đó nhờ tiêu dùng nội địa phục hồi sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách “zero Covid” vào tháng 12 năm ngoái. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2022, mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Năng suất thấp do doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả

Báo cáo của IMF cho biết: “Nền kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay nhờ các hoạt động tăng lên sau khi dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19. Điều này tạo lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể. Sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản vẫn là một trở ngại lớn và vẫn còn một số điều không chắc chắn xung quanh diễn biến của đại dịch Covid-19. Trong dài hạn, những lực cản đối với tăng trưởng bao gồm dân số giảm và tăng trưởng năng suất chậm lại”.

IMF cho rằng tăng trưởng năng suất yếu của Trung Quốc phần lớn là do các doanh nghiệp nhà nước (SOE) hoạt động kém hiệu quả và sự suy giảm tính năng động trong kinh doanh ở nước này.

Theo IMF, Trung Quốc phải thực hiện cải cách để giữ cho các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh, đặc biệt là khi họ được giao nhiều trách nhiệm hơn để thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực công nghệ có tầm quan trọng chiến lược và có liên quan đến áp lực địa kinh tế ngày càng dâng cao.

Thomas Helbling, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF, nói: “Các cải cách cấu trúc cần được đẩy nhanh trở lại để nâng cao tiềm năng tăng trưởng vốn đối mặt những trở ngại do xu hướng nhân khẩu học và tăng trưởng năng suất chậm lại. Cải cách hỗ trợ tăng trưởng chẳng hạn như mở cửa hơn nữa thị trường trong nước và đảm bảo tính trung lập trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng năng suất thấp vào thời điểm nguồn cung lao động bị thu hẹp”

IMF dự báo sau năm 2023, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm dần xuống mức dưới 4% mỗi năm nếu như nước này không thúc đẩy cải cách. Ảnh: IMF

Cần hành động nhiều hơn để chấm dứt khủng hoảng bất động sản

Thị trường bất động sản, chiếm khoảng 1/4 GDP Trung Quốc, bị vùi dập bởi cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển nhà ở, dẫn đến nhiều dự án chung cư bị đình trệ, khiến người mua bất mãn và làm giảm niềm tin trong lĩnh vực này.

IMF ghi nhận Trung Quốc đã nỗ lực triển khai các biện pháp chính sách được thiết kế để giúp hồi sinh lĩnh vực bất động sản.

“Nhưng Trung Quốc phải hành động nhiều hơn nữa để chấm dứt cơn khủng hoảng bất động sản, bao gồm cung cấp thêm vốn để giúp hoàn thành các dự án bị đình trệ và thúc đẩy tái cấu trúc. Điều này sẽ vực vậy niềm tin của người mua nhà và khống chế các rủi ro bất ổn tài chính”, IMF cho hay.

Theo Thomas Helbling, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề một lượng lớn nhà ở chưa hoàn thành.

Báo cáo của IMF cũng khuyến nghị một loạt cải cách cấu trúc trong trung hạn và cảnh báo rằng nếu không không thực hiện chúng, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4% trong 5 năm tới do lực lượng lao động bị thu hẹp.

Trong số các cải cách, IMF đề nghị Trung Quốc tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để thúc đẩy nhu cầu bất động sản và tăng trưởng kinh tế giữa lúc người dân Trung Quốc đang gia tăng tiết kiệm để phòng thân. Mức tiết kiệm hộ gia đình ở Trung Quốc nhảy vọt lên mức kỷ lục 17,84 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,6 nghìn tỉ đô la Mỹ) trong năm ngoái, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

IMF cho rằng Trung Quốc cần thực hiện một loạt cải cách đầy tham vọng và toàn diện bằng cách nâng cao vai trò của nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình. “Những cải cách như nâng dần tuổi nghỉ hưu để tăng nguồn cung lao động, tăng cường trợ cấp thất nghiệp và phúc lợi bảo hiểm y tế, đồng thời những cải cách ở khối doanh nghiệp nhà nước để thu hẹp khoảng cách năng suất với các doanh nghiệp tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể trong những năm tới”, IMF nhận định.

Triển vọng phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc sẽ hỗ trợ các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Theo phân tích của IMF, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thêm 1 điểm phần trăm, kinh tế của các nước khác cũng sẽ tăng thêm trung bình 0,3 điểm phần trăm.

Trước mắt, các nước láng giềng của Trung Quốc có thể được hưởng lợi nhờ nhu cầu du lịch dồn nén của người dân nước này được giải phóng ở thời kỳ hậu Covid-19.

Đặt chỗ du lịch nước ngoài trên nền tảng trực tuyến Trip.com (Trung Quốc) trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng trước tăng 640% so với cùng kỳ năm ngoái, với Bangkok, Singapore và Kuala Lumpur nằm trong số những điểm đến hàng đầu của khách Trung Quốc.

Theo SCMP, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới