Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

IMF: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng “vừa phải, chưa đồng đều”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

IMF: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng “vừa phải, chưa đồng đều”

Phúc Minh

IMF: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng “vừa phải, chưa đồng đều”
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu tại Washington. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức "vừa phải và chưa đồng đều" và đang đối mặt với những rủi ro gia tăng.

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định như trên trước khi diễn ra cuộc họp 188 thành viên từ khắp nơi trên thế giới vào tuần sau.

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài

Bà Lagarde cho biết nền kinh tế toàn cầu tăng khoảng 3,4% vào năm 2014, được hưởng lợi nhờ giá dầu giảm và nền kinh tế Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – tăng trưởng khá.

Mức tăng trưởng trên bằng với tỷ lệ tăng trưởng trung bình của những thập kỷ trước nhưng chưa đủ mạnh để chữa lành những vết sẹo mà cuộc khủng hoảng tài chính đã gây ra, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ vẫn cao ở mức 50% tại một số nước.

Ngoài ra, tăng trưởng tiềm năng của toàn thế giới vẫn đang bị "hạ xuống" bởi những tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính, dân số già đi và năng suất thấp.

Bà kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để cung cấp công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai xa hơn.

Bà cũng kêu gọi các nước tranh thủ giá dầu thấp để cắt giảm trợ cấp năng lượng, sử dụng khoản tiền tiết kiệm được từ giá dầu thấp để chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và những chương trình khác nhằm cải thiện nền kinh tế trong dài hạn.

Bà cũng cho biết cải thiện tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và thực hiện những cải cách khác là bước quan trọng hướng tới việc thúc đẩy công ăn việc làm tại nhiều nước và hối thúc các nước làm nhiều hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại toàn cầu.

Tăng trưởng của các thị trường mới nổi thấp nhất 6 năm qua

Son song với nhận định của bà Lagarde, các nhà kinh tế của IMF dự báo nền kinh tế Mỹ và Anh sẽ phục hồi mạnh mẽ, triển vọng kinh tế của khu vực đồng euro (eurozone) sẽ cải thiện do các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, họ không lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi lớn, trong đó có Trung Quốc, Brazil và Nga.

Hiện, các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn do đô la Mỹ mạnh và giá hàng hóa yếu. Đô la Mỹ và giá hàng hóa yếu làm cho thu nhập từ xuất khẩu giảm xuống (như Brazil và Nga) hay làm cho nguồn vốn chảy ra ngoài (như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc).

Nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi của Capital Economics, ông Neil Schilling, cho biết ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 1-2015 của 46 thị trường mới nổi chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái – giảm so với mức tăng 4,5% trong quí 4-2014 và là mức tăng thấp nhất kể từ quí 4-2009 (tăng 3,9%).

Xu hướng tăng trưởng chậm lại tại các thị trường mới nổi có thể kéo dài khoảng 10 năm và điều này sẽ được xem là "bình thường" – theo ông Schilling.

Ông Schilling cho biết trong quí 1-2015, GDP của Brazil ước suy giảm 1,24%, quí 4-2014 chỉ suy giảm 0,3%. Tăng trưởng GDP quí 1-2015 của Trung Quốc có thể chậm lại còn 6,82%, giảm từ mức 7,3% trong quí 4-2014. Như một điểm sáng nhỏ của các thị trường mới nổi, GDP quí 4-2014 của Mexico tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ước tính GDP quí 1-2015 sẽ giảm xuống còn 2%.

Nhật Bản kích hoạt gói ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2015

Ngày 9-4, Quốc hội Nhật Bản kích hoạt gói ngân sách kỷ lục 96.340 tỉ yen, tương đương 803,45 tỉ đô la Mỹ, cho năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4-2015.

Tổng ngân sách ban đầu cho năm tài khoá 2015 nói trên dự kiến sẽ được dùng để giải quyết vấn đề giảm phát kéo dài của Nhật Bản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vững chắc và phục hồi sức khoẻ tài chính, trong bối cảnh chi phí an sinh xã hội gia tăng do dân số lão hóa.

Trong tổng số 96.340 tỉ yen, 23.450 tỉ yen sẽ được phân bổ cho các chi phí nợ quốc gia. Chi ngân sách quốc phòng sẽ tăng 2% so với năm tài khóa 2014, tăng trong năm thứ ba liên tiếp, lên mức kỷ lục 4.980 tỉ yen, trong bối cảnh Thủ tướng Abe hướng đến tăng cường khả năng tuần tra và quốc phòng.

Các chi phí an sinh xã hội, trong đó có lương hưu và chăm sóc y tế, sẽ tăng 3,3% so với năm tài khóa 2014, lên mức kỷ lục 31.530 tỉ yen.

Trong cuộc họp Ủy ban ngân sách Thượng viện sáng cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: “Nền kinh tế Nhật Bản đang bước vào chu kỳ đạo đức – ám chỉ việc tăng lương cho người lao động nhiều hơn đã khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới