Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 nhờ nhu cầu chống chịu tốt và phục hồi một cách đáng ngạc nhiên ở Mỹ và châu Âu, chi phí năng lượng giảm và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách ‘zero Covid’.

Một khu phố mua sắm ở Bắc Kinh. IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 5,2% trong năm nay nhờ Bắc Kinh chấm dứt chính sách ‘zero Covid’ để tái mở cửa kinh tế. Ảnh: AP

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất công bố hôm 30-1, IMF nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 2,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10.

Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên vào quí 3 năm ngoái, với thị trường lao động, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh đều mạnh mẽ, và khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Ông cho biết rủi ro suy thoái của kinh tế toàn cầu đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang đạt được tiến triển trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để kiềm chế giá cả.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế toan cầu trong năm nay vẫn thấp hơn mức 3,4% của năm 2022. IMF cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine và lãi suất tăng cao hơn giữa cuộc khủng hoảng lạm phát kéo dài sẽ tiếp tục là lực cản đối với tăng trưởng.

Gourinchas nói: “Tăng trưởng toàn câu sẽ vẫn yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử, khi cuộc chiến chống lạm phát và cuộc chiến của Nga ở Ukraine tiếp tục gây áp lực lên các hoạt động kinh tế”.

Theo Gourinchas, cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa đi đến thắng lợi cuối cùng, do vậy, chính sách tiền tệ sẽ cần phải duy trì ở mức thắt chặt và một số nước sẽ cần phải thắt chặt tiền tệ hơn nữa để kiểm soát chi phí sinh hoạt.

IMF đánh giá triển vọng trở nên tích cực hơn đối với nền kinh tế toàn cầu nhờ lạm phát dịu lại và các yếu tố trong nước tốt hơn mong đợi ở một số nước chẳng hạn như Mỹ.

Ngoài ra, việc Trung Quốc quyết định tái mở cửa kinh tế sau thời kỳ phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát Covid-19 cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, triển vọng của các thị trường mới nổi, nơi nắm nhiều khoản nợ bằng ngoại tệ, cũng sáng hơn nhờ đồng đô la Mỹ suy yếu.

IMF nâng dự báo tăng trưởng trong năm 2023 của các nền kinh tế phát triển lên 1,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,4% trong năm nay, cải thiện so với mức tăng trưởng 1% trong dự báo trước đây. IMF nhận định có khả năng Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm 2023.

Theo IMF, khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo 0,5% mà IMF đưa ra trong báo cáo hồi tháng 10. IMF cho biết châu Âu đã thích nghi với chi phí năng lượng cao nhanh hơn so với dự kiến, và đà giảm giá năng lượng trong thời gian qua đã hỗ trợ cho khu vực này.

Anh là nền kinh tế phát triển lớn duy nhất mà IMF dự đoán sẽ suy thoái trong năm nay, với GDP dự kiến giảm 0,6% do các hộ gia đình phải vật lộn với chi phí sinh hoạt gia tăng, bao gồm cả chi phí năng lượng và lãi vay thế chấp.

IMF cũng nâng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong 2023, lên 5,2% từ 4,4% trong dự báo hồi tháng 10 nhờ Bắc Kinh chấm dứt chính sách ‘zero Covid’. IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2024 trước khi ổn định ở mức dưới 4% trong trung hạn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh suy giảm và tiến độ cải cách cấu trúc chậm lại.

Gourinchas thừa nhận việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây áp lực tăng giá hàng hóa, nhưng nhìn chung, IMF xem động thái này sẽ  tác động tích cực đến nền kinh tế toàn cầu vì giúp thúc đẩy nhu cầu của các hộ gia đình Trung Quốc đồng thời giúp giảm bớt các nút thắt sản xuất đã làm lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

Ngay cả khi Trung Quốc mở cửa trở lại, IMF dự đoán giá dầu sẽ giảm trong cả năm 2023 và 2024 do tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với năm 2022.

Hồi đầu tháng này, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva ghi nhận tháng này rằng nền kinh tế toàn cầu không tệ như một số lo ngại “nhưng ít tệ hơn không có nghĩa là tốt”.

Trong báo cáo hôm 30-1, IMF cảnh báo về một số yếu tố có thể làm xấu đi triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới. Chúng bao gồm rủi ro tiến trình tái mở cửa của Trung Quốc bị đình trệ, lạm phát có thể vẫn ở mức cao, cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài, có thể làm tăng chi phí năng lượng và thực phẩm hơn nữa.

IMF ước tính khoảng 84% nước thành viên của IMF sẽ chứng kiến lạm phát trong năm nay thấp hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, IMF dự báo lạm phát trung bình toàn cầu trong năm 2023 vẫn ở mức khá cao, 6,6%, trước khi suy giảm về 4,3% trong năm 2024.

Theo CNBC, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới