Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

IMF và Moody’s phê phán chính sách tài khóa của Anh sau khi bảng Anh lao dốc

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã chỉ trích chiến lược kinh tế mới của Anh. Trong lúc đó, các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho các thiệt hại nặng nề hơn trên thị trường tài chính sau khi Ngân hàng Anh hứa hẹn có hành động “thích đáng” với đà trượt dốc của bảng Anh.

Khách bộ hành ở London trong chiều mưa 27-9. Hãng tin Reuters đã dùng hình ảnh này minh họa cho triển vọng kinh tế ảm đạm của Anh trong bối cảnh biến động thị trường tài chính.

Đầu phiên giao dịch hôm 28-9 tại London, đồng bảng Anh đã giảm 0,5% xuống mức 1,067 đô la. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 20 năm và 30 năm vượt ngưỡng 5% để đạt mức cao nhất trong nhiều năm trong bối cảnh việc bán tháo nợ của nước Anh đã kéo sang ngày thứ tư.

Quay lại chủ thuyết kinh tế của “bà đầm thép Thatcher”

Sự can thiệp hiếm hoi từ IMF vốn được xem là “bước đường cùng” cho các nước có nợ xấu hoặc nguy cơ phá sản đã tạo thêm áp lực cho tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwaterng. Các chỉ trích của IMF sẽ buộc ông Kwaterng đánh giá lại loạt chính sách làm sụp đổ giá trị tài sản của Anh, đẩy chi phí đi vay của Anh và châu Âu lên cao hơn. Tuyên bố của IMF cũng gây xáo trộn thị trường thế chấp, báo trước rằng giá nhà tại Anh sẽ giảm mạnh.

Cuộc khủng hoảng mới nhất của nước Anh bùng nổ hôm 23-6 khi Bộ trưởng Kwaterng và Thủ tướng Liz Truss đề ra tầm nhìn quay trở lại chủ thuyết kinh tế Thatcherite (của cựu thủ tướng Margaret Thatcher của Anh) và chủ thuyết kinh tế Reaganomics (của cựu Tổng thống Ronald Reagan của Anh). Cả hai cựu lãnh đạo chủ trương giảm sâu thuế, bãi bõ các quy định để nền kinh tế thoát khỏi nhiều năm tăng trưởng trì trệ.

IMF cho biết các đề xuất đưa đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0327 đô la Mỹ hôm 26-9 có thể khoét sâu bất bình đẳng trong xã hội.

“Do áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, chúng tôi không khuyến nghị các gói tài khóa lớn và không có mục tiêu vào thời điểm này. Bởi điều quan trọng là chính sách tài khóa không hoạt động với mục đích chéo đối với chính sách tiền tệ”, một phát ngôn viên của IMF cho biết.

Jim Reid, chiến lược gia nghiên cứu tại Deutsche Bank, mô tả “lời quở trách của IMF là khá gay gắt”.

Trong một diễn biến khác, hãng Moody’s cho biết việc cắt giảm thuế lớn mà chưa có nguồn thu bù đắp sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe tài chính của nền kinh tế Anh.

“Một cú sốc niềm tin kéo dài xuất phát từ những lo ngại của thị trường khi cảm thấy kém tin cậy với chiến lược tài khóa của chính phủ. Hệ quả là chi phí tài trợ cao hơn về mặt cơ cấu có thể làm suy yếu vĩnh viễn khả năng chi trả nợ của Vương quốc Anh”, Moody’s nói thẳng thừng trong một thông cáo.

IMF giữ một tầm quan trọng mang tính biểu tượng trong chính trị Anh: Sau khủng hoảng cán cân thanh toán 1976, IMF đã đưa ra gói cứu trợ với điều kiện chính phủ Anh phải giảm mạnh chi tiêu. Gói cứu trợ này được xem là “sự sỉ nhục lớn” trong lịch sử kinh tế hiện đại của xứ sương mù giàu có.

Ngân sách gây bất bình đẳng xã hội

IMF nói gói ngân sách chi tiết mà Bộ trưởng Tài chính Kwarteng công bố ngày 23-11 sắp tới sẽ “sớm tạo cơ hội cho chính phủ Vương quốc Anh xem xét cách thức hỗ trợ một cách tập trung hơn và đánh giá lại các biện pháp thuế, đặc biệt là những quyết sách có lợi cho tầng lớp có thu nhập cao”.

Bộ Tài chính Anh trước đó nói rằng sẽ thông báo trong tháng 11 kế hoạch chi tiết của chính phủ nhằm cắt giảm nợ trong trung hạn.

Thị trường đang bất ổn và các nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ đang ngày càng lo lắng. Vì vậy, trong những ngày vừa qua, ông Kwatern đã dành nhiều thời gian để thảo luận với giới chủ nhà băng, các công ty bảo hiểm và tài chính. “Chúng tôi đang tập trung vào việc phát triển nền kinh tế để nâng cao mức sống mọi người dân”, người phát ngôn của phe Bảo thủ nói.

Hôm 27-9, nhà kinh tế trưởng Huw Pill của Ngân hàng Anh nói rằng ngân hàng trung ương có khả năng đưa ra mức tăng lãi suất “đáng kể” khi họp vào tháng 11 tới. Nhà kinh tế cũng nói thêm rằng biến động thị trường tài chính sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và sẽ được đưa vào các dự báo sắp tới của ngân hàng.

Trái phiếu chính phủ Anh đã bị bán tháo với tốc độ dữ dội trong vài ngày qua. Chi phí đi vay thời hạn 10 năm – tức lợi suất trái phiếu – đang đà tăng cao nhất trong tháng này kể từ thời điểm ít nhất là năm 1957 – theo tính toán của Reuters.

“Thật khó để không đưa ra kết luận rằng điều này sẽ đòi hỏi một phản ứng chính sách tiền tệ thích đáng”, Pill nói rất văn vẻ kiểu Anh tại Diễn đàn chính sách tiền tệ CEPR Barclays hôm 27-9.

Nói thật ngắn gọn và dễ hiểu: Ngân hàng trung ương sẽ mạnh tay!

Nguồn: Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới