IMF xem xét đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR
Phúc Minh
![]() |
IMF xem xét đưa hân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) – Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss – Kahn ngày 28-6 cho biết sẽ xem xét đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR (quyền rút vốn đặc biệt)* của IMF.
Ông Strauss – Kahn tin rằng với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, áp lực đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR sẽ ngày càng tăng.
Nhân dân tệ cần tự do hóa
Ông Strauss – Kahn nói: “Theo thời gian, chúng ta sẽ có nhiều lý do để đưa các loại tiền tệ khác vào rổ tiền tệ SDR, đầu tiên là nhân dân tệ”.
Hiện, SDR đang căn cứ vào giá trị của những loại tiền tệ gồm: đô la Mỹ, euro, yen và bảng Anh.
Ông Strauss – Kahn cho rằng đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR “càng sớm càng tốt” nhưng trước tiên, tỷ giá nhân dân tệ cần được quyết định bởi thị trường tự do.
Ông Strauss – Kahn cho biết trước khi tỷ giá nhân dân tệ được quyết định bởi thị trường tự do, nhân dân tệ rất khó đưa vào rổ tiền tệ SDR.
Nhân dân tệ sẽ không tăng giá nhanh chóng
Ông Strauss – Kahn cho rằng việc đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR cho thấy nhân dân tệ và thị trường hoàn toàn hòa hợp, Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá vào tuần trước chính là đang đi theo hướng này.
Nhưng ông Strauss – Kahn nói: “Tỷ giá nhân dân tệ sẽ không được cải thiện nhanh chóng. Tôi cho rằng nhân dân tệ vẫn đang bị định giá thấp. Tuy nhiên, sự cải cách tỷ giá tự nhiên sẽ làm thay đổi điều đó”.
Các nước cần tiếp tục hợp tác
Tuy nhiên, ông Strauss – Kahn cho biết ngay cả khi nhân dân tệ tăng mạnh cũng không thể giải quyết được sự mất cân bằng thương mại và tài chính toàn cầu.
Ông nói: “Nhân dân tệ tăng giá là đúng, chúng tôi vẫn đang thúc đẩy nhân dân tệ tăng giá. Tuy nhiên, nguồn gốc của sự mất cân bằng có nhiều nguyên nhân, chỉ dựa vào việc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ sẽ không giải quyết được vấn đề. Các cải cách tỷ giá được hoan nghênh nhưng nhân dân tệ đạt đến giá trị thị trường bình thường cần có thời gian”.
Ông Strauss – Kahn cho biết thêm, IMF đang nỗ lực cải thiện quan hệ với châu Á. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, IMF đã áp đặt điều kiện khắc nghiệt với một số nước châu Á, khiến mối quan hệ với châu Á bị tổn thương.
Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Toronto (Canada), ông Strauss – Kahn nói các nước cần áp dụng chính sách tài chính khác nhau nhưng điều đó không có nghĩa là G20 thiếu sự đồng thuận.
Ông nói G20 đã tìm được “khởi điểm” của sự đồng thuận trong việc cải cách tài chính và đang “tìm cách đạt được thỏa thuận” về tiêu chuẩn thống nhất vốn ngân hàng.
“Tôi cho rằng đây thực sự là một thông tin tốt. Các bên cần tiếp tục hợp tác và phối hợp trong chính sách kinh tế” – ông nói.
(theo Reuters)
___________________________________________
(*) SDR (Chữ tiếng Anh là Special Drawing Rights, nghĩa là Quyền rút vốn đặc biệt): Là đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành, phân bổ cho các nước thành viên theo tỷ lệ đóng góp vốn vào IMF. Lúc đầu, nó có giá trị 0,888671g vàng.
Năm 1974, SDR không được xác định bằng vàng nữa mà căn cứ vào giá trị tiền tệ của một số nước chủ yếu, gồm 16 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Canađa, Hà Lan, Bỉ, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Úc, Áo và Nam Phi. Đến 1980, giảm xuống còn 5 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản. Hiện nay, SDR căn cứ theo đô la Mỹ, euro, yen và bảng Anh.
Do bãi bỏ tỷ giá hối đoái cố định và áp dụng tỷ giá thả nổi nên tỷ giá của các đồng tiền thường xuyên biến động. Vì vậy, IMF công bố hàng ngày tỷ giá hối đoái của đồng tiền từng nước với SDR.
Hình thái tồn tại của SDR là những con số ghi trên tài khoản. IMF mở cho mỗi nước thành viên một tài khoản để ghi các khoản SDR được phân bổ và để hạch toán các khoản thu chi bằng SDR giữa các ngân hàng trung ương. SDR không phải đồng tiền mà tư nhân có thể có và sử dụng như tiền tệ của từng nước.
(theo Từ điển Bách khoa toàn thư)