Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Indochina Capital liên doanh với Dragon Capital?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Indochina Capital liên doanh với Dragon Capital?

Hải Lý

(TBKTSG) – “Đây là một văn bản phức tạp. Hãy vui lòng nghiên cứu nó kỹ càng”… đó là lời mở đầu lá thư của chủ tịch Indochina Capital gửi các cổ đông đề ngày 17-4-2009. Lá thư được viết ngay sau khi những cuộc thương thảo giữa tập đoàn Dragon Capital và Indochina Capital về việc quản lý quỹ của Indochina Capital kết thúc chiều ngày 15-4-2009 tại TPHCM.

Trong một thông cáo báo chí ngắn gọn, cả hai cho biết đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược đồng quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Indochina Vietnam Holding Limited. Để đi đến được thỏa thuận đó, các cổ đông của Indochina Capital đã phải trải qua một đoạn đường không ít gập ghềnh và sự bắt đầu một con đường mới sẽ được quyết định trong đại hội cổ đông bất thường vào ngày 11-5-2009 tới đây.

Dragon Capital vào cuộc

Trong tháng 2 và 3-2009, Hội đồng quản trị quỹ Indochina Capital đã có nhiều cuộc họp, tập trung vào việc nâng cao khả năng điều hành quỹ của Công ty Quản lý quỹ Indochina Capital. Quỹ cố gắng tìm kiếm một giám đốc đầu tư (CIO) mới, nhưng sau đó người này lại nghỉ. Ý định của Indochina Capital là tìm một công ty quản lý quỹ khác, chuyên nghiệp hơn. Suốt cả tháng, họ đàm phán, làm việc với Công ty Quản lý quỹ Prudential, vốn đang quản lý sáu quỹ đầu tư với số tiền 1,3 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, những tiếng nói của Prudential và Indochina Capital đã không gặp nhau.

Cuối cùng Dragon Capital được mời vào cuộc. Khách quan mà nói, Dragon Capital là công ty quản lý quỹ nước ngoài thâm niên nhất, kinh nghiệm nhất tại thị trường Việt Nam. Suốt thời gian chứng khoán trồi sụt vừa qua, trong khi nhiều quỹ nước ngoài khác chịu sức ép của cổ đông phải trả lại vốn, yêu cầu rút vốn, thì Dragon Capital vẫn “bình chân như vại”.

Một mặt, cổ đông của ba quỹ do Dragon Capital quản lý phần lớn là các tổ chức nước ngoài tên tuổi, họ cam kết đầu tư lâu dài. Mặt khác, các quỹ của Dragon Capital nắm giữ một lượng cổ phiếu, cả niêm yết và OTC, rất lớn, chiếm 15-20% tổng giá trị vốn hóa thị trường tùy thời điểm. Dragon Capital quá lớn để rút vốn! Trong trường hợp họ bán ra cổ phiếu, VN-Index có thể giảm sâu và giá trị chứng khoán họ sở hữu càng giảm xuống, ảnh hưởng đến giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ.

Để cơ cấu lại một phần danh mục đầu tư, Dragon Capital đã phải bán ròng rã hàng tháng trời mới “giải phóng” hết lượng cổ phiếu của VIP, SAM, TAC, CAN… Sự “bình chân như vại” của Dragon Capital, vì thế, là sự “bình chân” tiến thoái lưỡng nan, và hẳn họ cũng không muốn như vậy.

Hợp tác với Dragon Capital để tiếp tục duy trì đầu tư ở Việt Nam là khả năng thuận lợi nhất mà Indochina Capital có thể có lúc này. Theo thỏa thuận ký kết, hai bên sẽ thành lập một liên doanh nhằm thực hiện việc quản lý quỹ Indochina Capital. Trách nhiệm của Dragon Capital là cung cấp dịch vụ quản lý và tư vấn cho liên doanh. Ban lãnh đạo liên doanh gồm năm gương mặt chính, trong đó có hai đại diện của Dragon Capital là Dominic Scriven và John Shrimpton.

Đại diện cho Indochina Capital trong liên doanh sẽ là các ông Mayo Smith và Peter R. Ryder. Trong đại hội cổ đông bất thường đầu tháng 5 tới, các cổ đông của Indochina Capital sẽ phải biểu quyết thông qua nghị quyết đặc biệt (Special Resolution) về thay đổi việc quản lý đầu tư của quỹ và khả năng phân chia danh mục đầu tư thành hai phần: danh mục tiếp tục đầu tư và danh mục thoái vốn (Continuation and Realisation). Nếu 75% cổ đông bỏ phiếu thông qua, nghị quyết sẽ được tiến hành. Còn nếu không, chưa thể biết số phận quỹ Indochina Capital sẽ đi về đâu.

Kiên nhẫn

Kết thúc quí 1-2009, NAV của Indochina Capital, theo như Monthly Fund Update của quỹ công bố, là 205,5 triệu đô la Mỹ, tăng 6 triệu đô la Mỹ so với tháng 2-2009, nhưng vẫn giảm 7,3 triệu đô la Mỹ so với cuối năm 2008. Trái phiếu và tiền mặt chiếm 49% NAV, phần còn lại là cổ phiếu niêm yết, OTC và đầu tư vào các công ty khác. Trong tháng 3-2009 NAV của quỹ tăng 2,9%.

Đã có những hy vọng khi thị trường phục hồi, áp lực rút vốn từ phía cổ đông đối với Indochina Capital sẽ giảm đi. Nhưng kỳ thực cho đến giờ, áp lực này không hề thuyên giảm. Một công ty quản lý quỹ nhận xét có vẻ như thị trường càng phục hồi, thì cổ đông càng muốn rút vốn về bởi họ nghĩ rằng họ đã có thể mất tiền nhiều hơn. Nay thị trường phục hồi, họ sẽ mất tiền ít hơn và họ càng muốn tận dụng cơ hội phục hồi nhanh nhất có thể.

Với Indochina Capital, nếu nghị quyết đặc biệt được đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua, thì việc thoái vốn một phần danh mục đầu tư sẽ diễn ra. Tuy nhiên ở thời điểm này, quỹ cũng chỉ bán được những cổ phiếu thanh khoản. Việc quản lý một danh mục còn lại với những cổ phiếu ít thanh khoản (thí dụ OTC), chất lượng kém hơn các blue-chips, sẽ không dễ dàng. Sự chờ đợi, lòng kiên nhẫn là điều phải được đặt lên hàng đầu.

Song lòng kiên nhẫn thì Dragon Capital có thừa. Dragon Capital đã từng “nếm mật nằm gai” sáu năm trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, đã từng chứng kiến, trải qua thời kỳ khó khăn khi VN-Index còn 130 điểm. Dargon Capital đủ sức và đủ kiên nhẫn để thay đổi, cơ cấu lại danh mục đầu tư, dần dần lấy lại phần vốn đã mất cho Indochina Capital. Vấn đề là cổ đông Indochina Capital có đủ kiên nhẫn để chờ đến ngày đó?

Với Dragon Capital, tham gia vào liên doanh quản lý quỹ Indochina Capital là một cơ hội, không chỉ bởi tập đoàn sẽ có thêm nguồn thu phí quản lý quỹ. Hiện tại, huy động thêm vốn từ bên ngoài để đầu tư vào Việt Nam là rất khó và các quỹ của Dragon Capital cũng không còn nhiều tiền. Liên doanh với Indochina Capital sẽ giúp Dragon Capital có cơ hội khai thác thị trường, nâng cao uy tín và mở rộng tầm ảnh hưởng ở lĩnh vực tài chính.

Tuy vậy, mọi việc vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Giới quản lý quỹ đầu tư ở Việt Nam đang trông chờ kết quả đại hội cổ đông bất thường của Indochina Capital tháng 5 này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới