Indonesia giảm phát thải để tiết kiệm chi phí
Phúc Minh
![]() |
Một trạm xử lý chất thải tại Tây Java, Indonesia. Ảnh: R. Deverson |
(TBKTSG Online) – Vừa có thể thực hiện cam kết cải thiện môi trường và xã hội, vừa tiết kiệm chi phí để tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp Indonesia đang cố gắng thông qua công nghệ cao để giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính của Indonesia khoảng 2 tỉ tấn/năm, Indonesia là nước phát thải khí carbon lớn thứ 3 thế giới. Trong số đó, lượng phát thải công nghiệp chiếm tỷ lệ chưa đến 10%.
Lợi dụng chất thải tái chế
Công ty dầu khí Indonesia thu khí thải ra trong quá trình sản xuất để sản xuất năng lượng. Công ty PT Tirta Suaka chế biến thịt lợn thu khí mê-tan từ phân để tạo ra điện. Hai công ty xi măng khổng lồ Indocement và Holcim giảm sử dụng các lò đốt than, sử dụng chất thải để làm nhiên liệu thay thế.
Tổng giám đốc nhà máy xử lý chất thải Geocyle của công ty Holcim, ông Vincent Aloysius, giải thích công ty này thu nhận nhiều loại chất thải khác nhau từ hơn 100 nhà máy, từ nhà máy may mặc đến sản xuất kẹo.
Các chất thải gồm phế liệu của ngành công nghiệp điện tử, phế liệu sản xuất vật liệu in bảng mạch, nhựa, bùn, phân trong chất thải rắn… được cho vào máy xay, sau đó sử dụng làm nhiên liệu cho 2 chiếc lò của nhà máy xi măng.
Một số chất thải tại Indonesia đôi khi được chuyển đến nước khác xử lý, chi phí khá cao. Ông Aloysius cho biết Geocyle muốn nhận được nhiều chất thải công nghiệp hơn nữa.
Ông nói: “Chi phí xử lý cao hơn chi phí phòng chống ô nhiễm. Ai cũng thấy xử lý chất thải cần chi tiêu tiền nhưng nếu chúng ta gây ô nhiễm sông, bãi biển, núi đồi, thung lũng, thiệt hại sẽ rất lớn, chẳng hạn như với ngành du lịch”.
Trong khi đó, Indocement thông qua sử dụng vỏ trấu, vỏ gỗ và lốp xe cũ sản xuất nhiên liệu để giảm khí thải nhà kính.
Cần phê duyệt thêm dự án giảm phát thải
Trên thị trường carbon, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là việc mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín dụng carbon. Mỗi công ty gây ô nhiễm sẽ có một hạn mức thải CO2 nhất định mà nếu muốn vượt quá hạn mức này cần phải bỏ tiền ra mua thêm hạn mức, gọi là tín dụng carbon. Tín dụng carbon có thể được thông qua đầu tư một số dự án góp phần làm giảm phát thải CO2 hoặc được mua lại từ các công ty khác. |
Cả Indocement và Holcim đều được cấp chứng nhận Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc. Theo Công ước, các dự án giảm phát thải có thể nhận được tín dụng carbon, các công ty có thể bán tín dụng carbon để kiếm tiền.
Tuy nhiên, Công ước khung của Liên hiệp quốc cũng mang đến cho doanh nghiệp một số vấn đề như quá trình chứng nhận phức tạp và thời gian phê duyệt chậm chạp. Indonesia hiện có 48 dự án được cấp chứng nhận, trong khi Trung Quốc có gần 1.000 dự án và Ấn Độ có hơn 500 dự án.
Một số công ty tư vấn kinh doanh tại Indonesia cho biết chính phủ cần phê duyệt các dự án giảm phát thải của doanh nghiệp nhiều hơn nữa, dù một số dự án giảm phát thải có thể tác động nhỏ.
Tiết kiệm chi phí
Bà Agnes Safford, giám đốc điều hành Green Works Asia, công ty tư vấn giúp doanh nghiệp giảm lượng phát thải carbon, cho biết Indonesia vẫn còn tụt lại sau một số nước về việc cắt giảm lượng phát thải carbon, một phần do thiếu luật bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, bà cho biết ngay cả khi không có quy định pháp luật, nhiều công ty cũng xem xét các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng để tiết kiệm chi phí.
Bà Safford nói ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể làm cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận. Vì vậy, để giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính, chính phủ cần thể hiện cho chủ doanh nghiệp thấy có thể tiết kiệm chi phí từ việc giảm lượng phát thải để thuyết phục doanh nghiệp thực hiện các cam kết về môi trường.
(theo VOA)