Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Indonesia thu hút thanh niên làm nông bằng các chương trình đào tạo kỹ năng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chỉ trong vòng 2 năm sau khi mở cuộc vận động thanh niên làm nông, Indonesia đã đào tạo và nâng cao kỹ năng cho cho 1,6 triệu nông dân trẻ.

Ngày càng có nhiều thanh niên Indonesia chọn con đường khởi nghiệp bằng nghề nông khi họ được hỗ trợ kiến thức thông qua các chương trình đào tạo bài bản, không chỉ về cách làm nông nghiệp truyền thống mà còn những kiến thức mới liên quan đến công nghệ.

Các nông dân trẻ thu hoạch cà chua trên cánh đồng của họ ở Ciwidey, tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: Jakarta Post

Cuối năm 2019, khi Indonesia công bố chương trình đào tạo kỹ năng làm nông cho 2,5 triệu thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh trong giai đoạn 1981-1996)  trong vòng 5 năm, đó được xem một là nhiệm vụ khó khăn. Nếu kế hoạch thành công, thì cũng có nghĩa là đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này đang đảo ngược một xu thế đang diễn ra rộng rãi trên toàn cầu: giới trẻ am hiểu công nghệ rời bỏ các vùng nông thôn để kiếm việc làm ở thành phố và gia nhập các công ty khởi nghiệp (startup) thú vị và năng động.

Dù có khí hậu nhiệt đới và một số vùng đất phì nhiêu lớn nhất ở Đông Nam Á, các trang trại ở Indonesia này thường thiếu vốn, chuyên môn và công nghệ để hoạt động hiệu quả. Các gia đình nông dân kiếm được trung bình chỉ 26,6 triệu rupiah (1.876 đô la Mỹ) mỗi năm, chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu quốc gia. Hơn nữa, công việc đồng áng rất cực nhọc, không an toàn vì sản lượng dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thất thường của thời tiết.

Thu nhập thấp cộng với tính chất vất vả của công việc khiến lực lượng nông dân ngày càng giảm, buộc quốc gia 270 triệu dân này phải nhập khẩu một loạt các mặt hàng nông sản thiết yếu như đường, đậu nành và hành. Nhưng hiện nay, làn sóng bỏ quê ra phố tìm việc làm dường như đã được kiểm soát, với khoảng 1,6 triệu nông dân đã được đào tạo kể từ khi chương trình đào tạo thanh niên kỹ năng làm nông được triển khai cuối 2019, theo Dedi Nursyamsi, Vụ trưởng Vụ phát triển nguồn nhân lực thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia.

Mặc dù con số đó bao gồm một số nông dân hiện tại đang tìm cách cải thiện kỹ năng của họ, nhưng giới chức trách cho biết hầu hết họ đều mới làm nông nghiệp.

Ông Nursyamsi nói: “Chúng tôi phải tập trung vào việc thu hút những nông dân thuộc thế hệ thiên niên kỷ, những người thích sáng tạo và có khả năng thích ứng với sự thay đổi”

Chương trình đào kỹ năng làm nông của Indoensia cũng nhấn mạnh tiềm năng của sự đổi mới, chứ không chỉ để duy trì cách làm nông truyền thông.

Các khóa học đào tạo kỹ năng làm nông cho những người từ 19 -39 tuổi đang được cung cấp thông qua các trường ở các làng quê và các chương trình việc làm quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. Các kỹ năng được dạy bao gồm từ quản lý đất đến tiếp thị trực tuyến và vận hành thiết bị như nhà kính thông minh.

Didin Silahudin, 37 tuổi, là đại sứ cho chương trình đào tạo kỹ năng làm nông của chính quyền ở Cianjur, tỉnh Tây Java. Anh đã gieo trồng các mùa vụ bao gồm ớt cayenne, cà chua từ năm 2008 và gần đây được đào tạo về công nghệ trồng trọt. Anh cho biết các kiến thức về công nghệ trồng trọt đã giúp anh thực hiện tốt hơn khâu quản lý sản xuất và lịch trình thu hoạch, cũng như trồng trọt dựa trên nhu cầu thị trường.

Anh nói: “Chính phủ đặt mục tiêu thu hút hàng nghìn nông dân trẻ mới. Điều quan trọng nữa là đảm bảo những nông dân trẻ hiện tại có thể tiếp tục phát triển”.

West Java, tỉnh lớn nhất Indonesia, cũng có chương trình đào tạo riêng để khuyến khích thanh niên gia nhập lĩnh vục nông nghiệp.

Chương trình này tập trung dạy thanh niên những kỹ năng sản xuất các mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao như cây cảnh và trứng cút. Chương trình cũng cung cấp cho thanh niên các lô đất nhỏ, các thỏa thuân bao tiêu và khoản vay lên tới 50 triệu rupiah (3.468 đô la).

Theo Benny Bachtiar, người đứng đầu văn phòng kinh tế của tỉnh Tây Java, gần 9.900 người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đã nộp đơn xin gia nhập chương trình.

Trong một buổi thuyết trình tại Trường cao đẳng bách khoa phát triển nông nghiệp ở Bogor, tỉnh Tây Java, hồi cuối tháng 8, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, Syahrul Yasin Limpo kêu gọi thế hệ thiên niên kỷ đừng ngại gia nhập lĩnh vực nông nghiệp vì hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, công việc làm nông đã dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.

Sẽ mất nhiều năm để đánh giá tác động rộng lớn hơn của các chương trình đào tạo kỹ năng làm nông ở Indonesia. Tính đến tháng 2-2021, lực lượng làm nông nghiệp ở Indonesia có 38,8 triệu người, giảm 2,5% kể từ năm 2018. Trên toàn cầu, tỷ lệ lao động nông nghiệp cũng đã giảm trong nhiều thập kỷ khi tự động hóa loại bỏ nhiều công việc trong nông nghiệp và nhiều người dân ở vùng nông thôn chuyển sang các việc làm được trả lương cao hơn và ít thất bại hơn ở các thành phố.

Để phát triển một trang trại thành công không dễ. Sau khi cơ sở nuôi gia cầm của Fajar Oktavianto ở huyện Kulon Progo thuộc Yogyakarta, suy sụp trong đại dịch, chàng trai 29 tuổi này đã thử chuyển sang trồng dưa hấu. Nhưng sản lượng thu hoạch không đủ tốt để tạo ra lợi nhuận.

“Điều khó khăn nhất là cải tạo đất đai”, anh nói khi cho biết anh chưa làm tốt khâu nay do chưa được đào tạo đầy đủ.

Nông dân Budiman, 39 tuổi, gặp may mắn hơn vì dù sao anh đã có kinh nghiệm làm nông nông nghiệp ở Kulon Progo hơn một thập niên. Anh đã thử trồng các loại cây bao gồm lúa và ớt trước khi thành công với dưa hấu.

Anh chỉ ra rằng để làm nông hiệu quả, một nông dân phải tìm ra sự cân bằng giữa điều kiện đất đai và phân bón, thời tiết, lịch trồng trọt và giá cả thị trường.

Budiman nói: “Tôi vẫn tin rằng công việc đồng áng thực sự có thể mang lại hiệu quả tài chính cao hơn công việc văn phòng”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới