Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Indonesia thúc giục doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh số hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Indonesia thúc giục doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh số hóa

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch đẩy mạnh số hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tham vọng lớn là các tập đoàn này sẽ tăng trưởng hiệu quả và hỗ trợ trở lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Indonesia thúc giục doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh số hóa
Giao dịch chứng khoán tại ngân hàng Bank Mandiri. Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy Bank Mandiri cùng các quỹ đầu tư nhà nước tham gia thúc đẩy số hóa ở các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Reuters

Dẹp bớt mảng kinh doanh không hiệu quả

Hơn 100 doanh nghiệp nhà nước ở Indonesia hiện diện trong mọi ngõ ngách của các ngành công nghiệp chính của đất nước, bao gồm tài nguyên tự nhiên, hóa chất, xây dựng, giao thông, trang trại và tài chính. Nhưng ảnh hưởng khuynh loát đó cho phép các DNNN duy trì các hoạt động không hiệu quả – điều mà Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir tuyên bố sẽ chấn chỉnh kể từ khi ông nhận nhiệm sở tháng 10 năm ngoái.

Bộ này đang hướng ba quỹ đầu tư mạo hiểm bỏ vốn vào các startup có khả năng giúp các BNNN chuyển sang công nghệ số. Đó là chi nhánh đầu tư MDI Ventures của hãng viễn thông quốc doanh Telkom Indonesia, quỹ đầu tư BRI Ventures của ngân hàng Bank Rakyat Indonesia, và Mandiri Capital Indonesia – hai nguồn tin từ chính phủ Indonesia tiết lộ.

Chính phủ Indonesia tin rằng đây là giải pháp tất cả các bên cùng có lợi: Bộ Doanh nghiệp nhà nước có thể tiến hành kế hoạch tăng hiệu quả của các DNNN, trong khi các startup có thể tiếp cận với các khách hàng tiềm năng trong mảng Nhà nước, từ đó giúp các công ty nhỏ mở rộng quy mô. Nguồn doanh thu ổn định sẽ giúp giá trị các startup cao hơn, giúp các nhà đầu tư vốn mạo hiểm thu lợi nhuận cao hơn từ khoản đầu tư ban đầu, nếu họ quyết định rút vốn ở giai đoạn sau.

Các startup hiện đã nằm trong danh mục đầu tư của ba quỹ mạo hiểm cũng là một phần trong nỗ lực thực hiện số hóa các doanh nghiệp nhà nước.

“Đây là ba DNNN sở hữu nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm. Về mặt thông thạo công nghệ số, họ đi trước các DNNN khác”, một nguồn tin từ chính phủ nói và tiết lộ rằng kế hoạch vẫn đang trong giai đoạn thảo luận. “Kế hoạch tổng quát là ba doanh nghiệp lớn nói trên sẽ dẫn dắt những sáng kiến, cùng hợp tác và cùng làm vườm ươm cho startup. Mục tiêu chính là giúp các DNNN kém về công nghệ hơn nhưng có tiềm năng trong thị trường số hóa phát triển”, ông nói.

Cuối năm ngoái, Indonesia có 114 doanh nghiệp nhà nước. Con số này lên đến 772 nếu tính các nguồn tài trợ khác từ chính phủ. Số tài sản của các doanh nghiệp ước đến 560 tỉ đô la, hoạt động từ các lĩnh vực khai mỏ, cơ sở hạ tầng đến viễn thông. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm 25% số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Indonesia.

Mảng di động bão hòa buộc hãng viễn thông quốc doanh Telkom Indonesia tìm kiếm nguồn lực tăng trưởng mới ở các lĩnh vực như giải trí số, công nghệ gọi xe. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước số hóa còn thấp

Trong một bản báo cáo năm ngoái, hãng tư vấn quốc tế AT Kearney ghi nhận: “Nếu so sánh với các công ty số hóa đứng đầu trong nước và trên toàn thế giới, các DNNN của Indonesia có mức độ số hóa thấp hơn nhiều. Các doanh nghiệp này cần phải tăng số tiền đầu tư vào số hóa hàng năm ít nhất là 3 lần trong vòng 4-5 năm tới để bảo đảm rằng họ có thể đuổi kịp các nền kinh tế tiên tiến của khối ASEAN”.

Cả hai nguồn tin chính phủ đều đề cập PrivyID, một startup ở Jakarta, là ứng viên tiềm năng trong chương trình số hóa DNNN. Công ty nhỏ này cung cấp dịch vụ chữ ký số, cho phép khách hàng ký và gửi văn kiện trên mạng. Điều này giúp DNNN cắt giảm chi phí và công việc giấy tờ. Cả quỹ MDI Ventures và Mandiri Capital đang đầu tư vào startup này.

Kế hoạch của Bộ Doanh nghiệp nhà nước không đề cập chuyện hình thành một nguồn vốn duy nhất để đầu tư cho quá trình số hóa DNNN, và mỗi quỹ mạo hiểm sẽ hoạt động riêng biệt.

MDI Ventures thông báo vào đầu tháng 8 vừa rồi về việc dành ra 500 triệu đô la “trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhà nước Indonesia”. Quỹ này cho biết nguồn vốn mới ban đầu sẽ tập trung hỗ trợ nâng cấp nhanh một số bộ phận của hãng viễn thông Telkom Group. Sau đó, MDI Ventures sẽ phân nguồn vốn đến tất cả DNNN ở Indonesia.

CEO Donald Wihardja nhấn mạnh rằng: “Các doanh nghiệp nhà nước biết rõ họ cần phải theo đuổi mô hình kinh doanh số hơn lúc nào hết để duy trì vị thế hiện tại trên thị trường. Bằng cách phân bổ nguồn vốn với theo những trọng tâm chính phủ yêu cầu và bằng sự phối hợp với các đối tác công nghệ trong nước, mảng doanh nghiệp nhà nước ở Indonesia sẽ có định vị mới để phát triển”.

Hãng viễn thông mở rộng thị trường số

Trong khi đó, hãng viễn thông Telkom cũng không còn thuần túy trụ chân ở mảng viễn thông, mà định hình họ sẽ là một công ty lai: kinh doanh ở mảng viễn thông và công nghệ. Telkom bắt đầu tìm kiếm các nguồn lực phát triển mới khi mảng điện thoại di động ngày càng bị cạnh tranh mãnh liệt, làm suy giảm mạnh mẽ doanh thu và sự chiếm lĩnh ưu thế thị trường của hãng.

Tháng 8 vừa rồi, Telkom cũng gỡ bỏ lệnh cấm đối với dịch vụ streaming video của hãng Netflix, Mỹ. Năm 2016, với cáo buộc Netflix phát các cảnh khỏa thân và không có chế độ cho phép phụ huynh kiểm soát đối với nội dung trẻ vị thành niên xem, Telkom đã ngừng phát các chương trình của Netflix. Trong khi đó, hai hãng đối thủ Indosat Ooredoo và XL Axiata vẫn cung cấp dịch vụ cho Netflix với giá rất ưu đãi. Đại dịch đến, số người xem các chương trình giải trí online nhiều hơn, khiến khách hàng của các các đối thủ tăng vọt. Telkom có 162,6 triệu người đăng ký, trong khi Indosat có 56,2 triệu và XL chỉ 55,5 triệu. Nhưng trên thực tế, doanh thu của Telkom giảm 2,2% và chỉ đạt 34.200 tỉ rupiah, khoảng 2,4 tỉ đô la. Trong khi doanh thu của XL tăng 9% và Indosat tăng 8%, và đều đạt 6.500 tỉ rupiah mỗi bên.

Telkom cũng nỗ lực đầu tư vào các hãng công nghệ. Trang DealStreetAsia đưa tin công ty di động Telkomsel, công ty con của tập đoàn Telkom, từng thảo luận với ứng dụng gọi xe Gojek về khoản đầu tư 400 triệu đô la trong năm 2018, nhưng các quan chức chính phủ không ủng hộ. Cuối tháng 8, các cuộc thảo luận này đã được nối lại và thúc đẩy. Các nguồn tin nói số tiền đầu tư sẽ ngang bằng con số thảo luận năm 2018.

Nếu thương vụ này thành công, Telkom sẽ là một trong ba công ty Indonesia ít ỏi đầu tư vào startup gọi xe cao giá thứ hai trong khu vực, sau Grab. Số nhà đầu tư vào Gojek hiện vượt quá 30 với những tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook và Paypal.

Với hơn 160 triệu người dùng – đứng đầu ở thị trường Đông Nam Á, Telkom có thể giúp Gojek tăng trưởng mạnh mẽ ở đất nước vạn đảo – một nhà phân tích nhận định.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới