Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Indonesia ưu tiên xe hai bánh trong chiến lược chuyển đổi sang xe điện

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Indonesia Battery Corporation (IBC), công ty sản xuất pin xe điện nhà nước Indonesia, đang tập trung vào nỗ lực “xanh hóa” 115 triệu xe máy đang lưu hành trên khắp đất nước khi chính phủ Indonesia thúc đẩy các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon.

Khách hàng kiểm tra một mẫu xe máy điện tại cuộc triển lãm ở Jakarta hồi tháng 4-2022. Ảnh: Nikkei Asia

Hôm 12-11, trong cuộc phỏng vấn bên lề một hội nghị do Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF) chủ trì ở Bali, Indonesia, Chủ tịch IBC Toto Nugroho tiết lộ công ty ông đang có kế hoạch sản xuất 50.000 bộ pin cho xe máy điện vào năm tới.

Ông cho rằng chuyển đổi xe máy chạy xăng sang chạy điện sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon đồng thời giúp giảm đáng kể chi phí nhập khẩu nhiên liệu. Vì vậy, IBC ưu tiên sản xuất pin cho xe máy điện.

IBC được thành lập vào năm 2021 nhằm hiện thực hóa tham vọng của Tổng thống Joko Widodo là xây dựng chuỗi cung ứng xe điện từ đầu đến cuối, từ quặng nickel sử dụng ở pin cho đến đến các dây chuyền lắp ráp xe điện ở trong nước.

Chính phủ Indonesia đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc cắt giảm nhập khẩu dầu thô sau khi giá tăng cao trên toàn cầu, buộc nhà nước phải tăng giá xăng, một động thái châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối ở nhiều thành phố và làm suy yếu sự ủng hộ của cử tri đối với ông Widodo.

Hiện nay, chỉ có 21.000 xe máy ở Indonesia chạy điện, có nghĩa là những người dân sử dụng xe máy như là phương tiện chính để đi lại  đang tốn kém nhiều hơn cho chi phí xăng.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thúc đẩy lượng xe máy điện lưu hành trong nước lên 2 triệu chiếc vào năm 2025 và con số này sẽ lên 13 triệu vào năm 2030. Chính phủ cũng dự kiến xây dựng 32.000 trạm sạc công cộng cho xe máy vào cuối thập niên này, tăng đáng kể so với con số 200 vào cuối năm ngoái.

Để tăng tốc nỗ lực “xanh hóa” xe máy, chính phủ cũng có kế hoạch cung cấp các khoản trợ cấp 7,5 triệu rupiah (484 đô la Mỹ ) cho người tiêu dùng đổi xe máy chạy xăng sang xe điện.

Ông Nugroho cho biết 5 năm tới, IBC sẽ sản xuất các vật liệu và tế bào pin đồng thời tái chế pin đã qua sử dụng trong một dự án liên doanh với các đối tác, bao gồm LG Energy Solution của Hàn Quốc  và CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới. Nhà máy liên doanh này sẽ sử dụng năng lượng tái tạo và tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, vì vậy, các sản phẩm pin có thể xuất khẩu được sang thị trường Mỹ và châu Âu.

Công ty khai khoáng Antam, một đơn vị thành viên của  IBC, sẽ thành lập một liên doanh để khai thác vật liệu pin ở phía đảo Halmahera, phía đông Indonesia. IBC đang nghiên cứu cách sản xuất pin chỉ sử dụng các nguồn khoáng sản khai thác trong nước.

Nugroho nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng pin mà chúng tôi sản xuất ở đây sẽ không phụ thuộc vào các khoáng chất nhập khẩu như lithium, graphite và cobalt”.

Trong khi ô tô điện vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều người tiêu dùng, các nhà phân tích cho rằng triển vọng đối với xe máy điện ở Indonesia đang có nhiều hứa hẹn nhờ thị trường xe máy khổng lồ ở trong nước.

Nhiều công ty trong nước đang nhảy vào thị trường xe máy điện để đón trước nhu cầu. Công ty khai khoáng Indika Energy là doanh nghiệp mới nhất ở Indonesia đã lấn sang lĩnh vực này. Hồi tháng 4, Indika Energy thông báo thành lập Công ty sản xuất xe máy điện Ilectra Motor Group.

Một tháng sau đó, Ilectra nhận được khoản vốn đầu tư chung 15 triệu đô la Mỹ từ Indika Energy và hai quỹ đầu tư đến từ Mỹ, Alpha JWC Ventures và Horizon Ventures.

Hồi tháng 10, Ilectra đã ra mắt một mẫu xe máy điện có tên gọi Alva One, được sản xuất tại một nhà máy có công suất 100.000 xe/năm ở tỉnh Tây Java. Mẫu xe này có giá khởi điểm 34,99 triệu rupiah (2.250 đô la Mỹ), một mức giá vẫn khá cao so với các dòng xe máy chạy xăng phổ thông.

Volta Indonesia Semesta, một công ty xe máy điện khác của Indonesia, có kế hoạch sản xuất 60.000 xe trong năm nay. Mẫu xe Volta 401 của công ty có giá bán khởi điểm chỉ 14,9 triệu rupiah (960 đô la Mỹ). Công ty này đã nhận được đơn hàng mua 10.000 xe từ Công ty giao hàng nhanh SiCepat Express.

 

Trong khi đó, Wika Industri Manufaktur, đơn vị thành viên của Wijaya Karya, công ty lắp ráp và xây dựng thuộc sở hữu nhà nước, đang sản xuất xe máy điện thương hiệu Gesits có giá bán khởi điểm 28,7 triệu rupiah (1.850 đô la Mỹ).

Công ty khởi nghiệp Viar Motor Indonesia đang vận hành nhà máy sản xuất xe hai bánh và ba bánh chạy điện ở thành phố Semarang, Indonesia. Viar đã giới thiệu ra thị trường nhiều mẫu xe máy điện từ phân khúc thấp đến cao, bao gồm các mẫu dành cho học sinh. Viar N1 và Viar N2, hai mẫu xe máy điện mới nhất của công ty này, có giá bán lần lượt là 25,9 triệu rupiah (1.670 đô la Mỹ) và 34 triệu rupiah (2.190 đô la Mỹ).

Năm ngoái, hãng gọi xe Grab đã đặt mua 6.000 xe máy điện của Viar. Ridzki Kramadibrata, Chủ tịch Grab Indonesia, cho biết công ty đang vận hành 8.500 xe điện tại Indonesia, trong đó, phần lớn là xe máy. Grab Indonesia đặt mục tiêu nâng số lượng xe điện lên 14.000 vào cuối năm nay.

Irwan Supriatna, Giám đốc kinh doanh Volta, nói: “Với nhiều lựa chọn hiện có  trên thị trường và tin tức về sự hỗ trợ của chính phủ, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với xe máy điện đang tăng lên, đặc biệt là trong năm qua”.

Theo Bloomberg, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới