Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

IPTV – làn gió mới cho dịch vụ truyền hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

IPTV – làn gió mới cho dịch vụ truyền hình

Thu Hiền

IPTV – làn gió mới cho dịch vụ truyền hình(TBVTSG) – Doanh thu mạng  viễn thông cố định đang sụt giảm khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ lo lắng. Trong khi đó, hạ tầng mạng cố định và hạ tầng Internet băng thông rộng đang có nguy cơ bị bỏ phí nếu các mạng viễn thông không tìm ra những cơ hội kinh doanh mới.

Theo các chuyên gia viễn thông, giải pháp cho vấn đề doanh thu sụt giảm là phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng cố định, băng thông rộng. Trong đó, dịch vụ truyền hình tương tác (IPTV) đang được ví như một làn gió mới thổi vào thị trường truyền hình Việt Nam. Dịch vụ này cũng đang thu hút nhiều mạng viễn thông tham gia khai thác.

Thị trường đang lớn dần

Truyền hình tương tác (Internet Protocol Television – IPTV) là một công nghệ truyền dẫn cho phép truyền các tín hiệu hình ảnh (video) và âm thanh (audio) trong truyền hình qua các hệ thống mạng IP (Internet Protocol). Điều đặc biệt của IPTV là cho phép khán giả chủ động lựa chọn những nội dung mình muốn xem. Thêm vào đó, khách hàng có thể tiếp cận những dịch vụ khác trên nền tảng băng thông rộng như xem ti-vi trực tiếp qua Internet (LiveTV), mua hàng qua ti-vi, trò chơi trực tuyến (online game), điện thoại hình…

Hiện Việt Nam đã có ba nhà cung cấp lớn là FPT Telecom, VNPT và Viettel tham gia thị trường IPTV. Trong đó, FPT Telecom được xem là người tiên phong khi tiến hành thương mại hóa dịch vụ IPTV với thương hiệu iTivi, nay đổi thành OneTV, ở thời điểm năm 2006 – được xem là khá sớm khi mà băng thông rộng vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

Không muốn chậm chân, Tập đoàn Bưu chính- Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng vào cuộc với lợi thế là có hệ thống hạ tầng băng thông rộng phủ khắp cả nước. Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC), một doanh nghiệp trực thuộc VNPT, đã thử nghiệm IPTV từ năm 2008 và chính thức cung cấp dịch vụ trên toàn quốc một năm sau đó với thương hiệu MyTV.

Gương mặt mới nhất là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), mới chỉ thương mại hóa IPTV NetTV vào đầu năm nay sau khi thử nghiệm dịch vụ từ năm 2010.

Các nhà cung cấp dịch vụ đều lạc quan cho rằng mặc dù còn khá non trẻ, thị trường IPTV sẽ phát triển nhanh trong vòng 2-3 năm tới.

Ông Bùi Quốc Việt, phát ngôn viên của VNPT, cho biết tốc độ tăng trưởng số thuê bao của MyTV là khá cao. Sau hơn hai năm, MyTV đang có khoảng 500.000 khách thuê bao. Theo thống kê, hiện trung bình mỗi ngày MyTV có thêm khoảng 100 khách thuê bao và có hơn 30.000 khách thuê bao mỗi tháng. Doanh thu bình quân trên mỗi khách thuê bao ở mức 70.000 đồng.

FPT Telecom cũng  nhận định quy mô thị trường đang tăng trưởng dần dần và thói quen của người tiêu dùng cũng đang thay đổi tích cực. Ông Trang Lan Anh Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Truyền hình của FPT Telecom, cho biết sự tăng trưởng về chất lượng, tốc độ kết nối của Internet băng thông rộng đã giúp cho  dịch vụ IPTV có được những tính năng tiện ích và được sự chấp nhận  của thị trường.

“Tuy nhiên, IPTV sẽ không phải là dịch vụ thay thế cho các loại dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay mà sẽ là một sự lựa chọn mới dành cho khách hàng. Trong khoảng 3-5 năm tới, dịch vụ truyền hình trên nền tảng IPTV sẽ có những bước phát triển mạnh”, ông Phương nói.

Hiện tại, lượng khách thuê bao dịch vụ OneTV của FPT đạt hơn 30.000 và dự kiến sẽ đạt con số 70.000 trong năm nay. Mức giá trọn gói dịch vụ mà nhà cung cấp đưa ra là 80.000 đồng/tháng hoặc 40.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng miền. 

Trong khi đó, dịch vụ NetTV của mạng Viettel cũng đạt được lượng khách thuê bao đáng kể trong thời gian đầu là 15.000 và mục tiêu hướng tới là 300.000 trong một vài năm tới. 

Thách thức không nhỏ

Mặc dù các nhà cung cấp đều kỳ vọng, song để dịch vụ IPTV phát triển không phải là điều dễ làm khi người tiêu dùng còn chưa quen với khái niệm truyền hình qua mạng Internet. Khó khăn lớn của nhà cung cấp là người sử dụng chưa hiểu về những khác biệt cũng như những tiện ích của dịch vụ IPTV so với dịch vụ truyền hình truyền thống.

Ông Phương của FPT Telecom cũng thừa nhận điều này. Các khách hàng thích thao tác đơn giản trong quá trình sử dụng truyền hình như chọn kênh, chọn dịch vụ… và truyền hình cáp, truyền hình analog đang có những ưu điểm này. Với truyền hình IPTV, khách hàng cần có kiến thức nhất định về công nghệ thì mới có thể hiểu và tận dụng hết những ưu thế của dịch vụ này.

Ngoài ra, do công nghệ mới nên chi phí đầu tư cho IPTV là khá lớn, bao gồm chi phí đầu tư cho hạ tầng và thiết bị đầu cuối. Thêm vào đó, việc nhà cung cấp chưa tự sản xuất được nội dung cũng khiến dịch vụ truyền hình IPTV gặp khó. Họ hiện vẫn phải dành ra một khoản tiền không nhỏ để trả chi phí bản quyền truyền hình.

Một trong những khó khăn khác trong quá trình triển khai dịch vụ là yếu tố cơ sở hạ tầng, bởi vì nếu cứ chạy trên nền tảng ADSL thì sớm muộn gì dịch vụ IPTV cũng sẽ bị khách hàng từ bỏ do không bảo đảm về chất lượng (tín hiệu, hình ảnh bị giật, bị nhiễu). Chính vì điều này mà các mạng viễn thông đang tận dụng hạ tầng Internet cáp quang (FTx) để  phát triển dịch vụ.

Từ giữa năm nay, FPT Telecom đã cho ra mắt gói dịch vụ giải trí đa phương tiện dựa trên công nghệ VDSL tích hợp dịch vụ OneTV trong gói cước iSee (15Mb/giây, 1Mb/giây) và iSmart (18Mb/giây, 3Mb/giây). Gói dịch vụ này cung cấp các nội dung giải trí gia đình (xem phim HD và nghe nhạc khi lướt web…) trên một kết nối.

Trong khi đó, Viettel Telecom cũng tận dụng hạ tầng FTx của mình để cung cấp gói cước đa dịch vụ FTTH TV tốc độ cao cho các hộ gia đình trên phạm vi toàn quốc. Khi thuê bao dịch vụ khách có thể sử dụng đồng thời đường truyền Internet cáp quang và dịch vụ truyền hình Internet (NetTV) băng thông 10Mb/giây, với cước phí khoảng 300.000 đồng và 100.000 đồng/máy.

Các nhà mạng cho rằng với việc giải quyết bài toán hạ tầng đồng thời thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng thì dịch vụ IPTV có khả năng sẽ sớm phát triển trong vòng 2-5 năm tới.

Một trong những yếu tố khiến dịch vụ IPTV có cơ hội phát triển là giá của thiết bị đầu cuối đã xuống thấp, quy chế truyền hình trả tiền đã có hiệu lực giúp chuyên nghiệp hóa thị trường này. Thêm vào đó, công nghệ truyền dẫn phát triển cũng cho phép nhà cung cấp nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền hình và tạo ra thêm tính năng đa dạng. Trong tương lai, thị trường nội dung nói chung, nội dung số nói riêng sẽ tích hợp mạnh mẽ với Internet. Nhu cầu của người tiêu dùng sẽ ngày càng đa dạng hơn, tập trung vào tính đáp ứng tức thời của dịch vụ. Do đó, cùng với xu hướng số hóa truyền hình sẽ có xu hướng IP hóa dịch vụ truyền hình truyền thống để giữ sức cạnh tranh với IPTV. Trên thực tế, tính năng truyền hình theo yêu cầu (Video on demand) hiện đang là tính năng có tính cạnh tranh mạnh nhất của IPTV so với truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh… Nhưng với điểm tương đồng trong việc truyền dẫn bằng cáp, các nhà cung cấp truyền hình cáp chắc chắn sẽ phải IP hóa một phần dịch vụ của mình để có thể cung cấp tính năng theo yêu cầu này. Khi đó IPTV sẽ đồng hóa một phần vào dịch vụ truyền hình cáp.

Giới chuyên gia cũng nhận định xu hướng thị trường trong 2-3 năm tới sẽ là sự hội tụ của các dịch vụ truyền hình số cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trên các thiết bị đa dạng từ ti-vi, máy tính cho tới điện thoại, thiết bị di động cầm tay với chất lượng ổn định và tính năng phong phú, đa dạng. Tất cả sự hội tụ này sẽ đều phải dựa trên nền tảng IPTV, do đó trong tương lai, dịch vụ này có quyền hy vọng sẽ tạo nên một trào lưu mới trong lĩnh vực truyền hình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới