Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ít doanh nghiệp dệt may có chứng chỉ SA 8000

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ít doanh nghiệp dệt may có chứng chỉ SA 8000

Thanh Thương

Còn ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam đạt chứng chỉ SA 8000. Ảnh: T.L

(TBKTSG Online) – Mặc dù được xem là một trong những chứng chỉ để bảo đảm việc thực hiện đúng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, tuy vậy, cho đến nay không nhiều doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam đạt được chứng chỉ SA 8000.

Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 35 doanh nghiệp dệt may có chứng chỉ SA 8000. Trong khi đó, nếu đối chiếu theo các tiêu chuẩn của chứng chỉ này thì phải có đến 1.000 doanh nghiệp đạt yêu cầu.

Ông Ân cho biết trong thời gian đầu khi hệ thống tiêu chuẩn này phổ biến ở Việt Nam các doanh nghiệp rất hăm hở, vì cho rằng nó là quy chuẩn quốc tế nên sẽ được khách hàng chấp nhận. Nhưng thực tế, theo ông Ân thì mỗi khách hàng lại chọn cho mình một tổ chức giám định riêng, nên doanh nghiệp dù có chứng chỉ SA 8000 hay không thì vẫn bị giám định, trong khi “thực ra hệ thống tiêu chuẩn không khác nhau nhiều, chỉ thêm 1 đến 2 yêu cầu nữa”. Đó là lý do chính khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với chứng chỉ này.

“Trong khi đó, doanh nghiệp lại rất khổ sở vì chuyện mỗi khách hàng kiểm tra một lần, khiến doanh nghiệp mất thời gian chuẩn bị”, ông Ân nói thêm. Ông cho biết tập đoàn đã có đề xuất với các hiệp hội ngành nghề các nước, để thống nhất một tổ chức giám định, nhưng kiến nghị này chưa được đồng ý.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn, cho rằng thực ra việc có được cấp chứng chỉ này hay không, không quan trọng. “Thường thì doanh nghiệp tìm cách có chứng chỉ để tăng uy tín thương hiệu, còn thực chất là doanh nghiệp vẫn phải đối diện với việc đánh giá của từng khách hàng”, ông Hồng cho biết. Thêm vào đó, ông Hồng cho rằng doanh nghiệp cũng không muốn chi trả chi phí đánh giá, chi phí thực hiện những thay đổi để áp dụng SA 8000, trong khi việc này không mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuy vậy, theo ông Phan Văn Kiệt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty may Việt Tiến, hiện nay nhiều khách hàng vẫn yêu cầu công ty có đầy đủ các chứng nhận như ISO hay SA 8000, khiến nhiều công ty phải đăng ký và thực hiện các tiêu chuẩn theo chứng chỉ này.

SA 8000 là một hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội để hoàn thiện các điều kiện làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp, trang trại hay văn phòng, do tổ chức Social Accountability International (SAI) phát triển và giám sát.

Những yêu cầu chính của SA 8000 mà doanh nghiệp phải giải trình là các vấn đề về lao động trẻ em; lao động bắt buộc; sức khỏe và an toàn; tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể; phân biệt đối xử; kỷ luật; giờ làm việc, thù lao; hệ thống quản lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới